Việt Nam thể hiện vai trò tiên phong trong ứng phó với biến đổi khí hậu

20/12/2009 - 20:43
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trình bày kết quả của đoàn Việt Nam sau khi dự Hội nghị COP 15

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 15) khẳng định như vậy tại buổi họp báo chiều 19/12.  

Với hơn 30 cuộc tiếp xúc song phương ở cấp Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng cùng quan điểm mang tính cầu nối, phù hợp với các nhóm nước, các đàm phán mang tính xây dựng, cộng đồng quốc tế ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội nghị này.

COP 15 kết thúc: Có cơ sở để hy vọng 

COP 15 được xem là Hội nghị có những đàm phán nảy lửa nhất trong số các Hội nghị về biến đổi khí hậu (BĐKH) được tổ chức từ trước tới nay. Mỗi nhóm nước đều hết sức bảo vệ quan điểm của mình, nhiều cuộc đàm phán kéo dài tới 3 giờ sáng đã cho thấy sự nóng bỏng, sôi động trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH nơi nghị trường.

Thành công của Hội nghị COP 15 là thu hút số lượng nguyên thủ và số nước tham dự lớn chưa từng có, gần 120 nguyên thủ của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó cho thấy, BĐKH đã trở thành vấn đề toàn cầu và được dư luận ngày càng đặc biệt quan tâm.

Tuy COP 15 kết thúc không như mong muốn song nhưng cam kết, những thống  nhất của các quốc gia cho chúng ta có quyền hy vọng về những nỗ lực, đồng hành cùng giải quyết vấn đề BĐKH của cộng đồng thế giới. Dự thảo cho Hiệp ước Copenhaghen hiện đã được 25 nước thông qua.

Bốn nước phát thải khí nhà kính lớn là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi… đã họp kín và nhất trí thông qua dự thảo này. Tuy dự thảo này chỉ là những thỏa thuận chung, chưa phải là khung pháp lý để bắt buộc các bên thực hiện song đây được xem là hành lang cơ bản thống nhất về mặt chính trị để mở ra các đàm phán tiếp theo (thường được gọi là COP 15+).

Tiên phong trong chính sách và hành động

“Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đánh giá là một trong những bài phát biểu có ý nghĩa nhất tại Hội nghị COP 15, hài hòa cả quan điểm đề nghị các nước phát triển tăng đóng góp, hỗ trợ, quan điểm các nước mới nổi cũng phải cam kết giảm phát thải…” - Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.

Các hoạt động của đoàn Việt Nam đều xoay quanh chủ đề của phát biểu này, đồng thời mở rộng các đàm phán nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế cho đầu tư ứng phó với BĐKH sau này. “Chúng ta đã cố gắng hết sức nhưng chỉ với công nghệ của Việt Nam, kinh nghiệm của Việt Nam thì không giải quyết trọn vẹn được với ứng phó BĐKH. Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp đòi hỏi nhiều kinh phí, đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao, kinh nghiệm tốt, rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế” - Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.

Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội tiếp xúc song phương. Trong số gần 30 cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành tiếp xúc song phương với 10 nguyên thủ quốc gia, tranh thủ hỗ trợ để ứng phó với BĐKH. Thực tế, Việt Nam đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ.

Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam còn phối hợp với các Tổ chức quốc tế như UNDP, JICA, tổ chức một sự kiện bên lề, thu hút hơn 100 đại diện của các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ đến dự. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình REDD (Chương trình giảm lượng phát thải do phá rừng và suy thoái rừng), nước chủ nhà của COP 15 Đan Mạch khẳng định cho dù kết quả của Hội nghị như thế nào thì Việt Nam vẫn là ưu tiên số 1 để chọn hỗ trợ, đầu tư.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: Việt Nam đã tiên phong trong ứng phó với BĐKH cả trong chính sách và hành động. Chương trình mục tiêu Quốc gia về ứng phó với BĐKH của Việt Nam (NTP) ra đời cuối năm 2008, là một trong hơn 20 chương trình chiến lược đầu tiên trên thế giới. Sau khi NTP ra đời, hàng loạt các hoạt động đã được triển khai như xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, triển khai các hoạt động truyền thông, kêu gọi đầu tư quốc tế… “Đến nay, Chính phủ Đan Mạch và Chương trình Phát triển LHQ đã cam kết tài trợ không hoàn lại cho chúng ta hơn 60 triệu USD. Nhật Bản cho vay ưu đãi 450 triệu USD. Sau những thành công của chúng ta tại COP 15, chắc chắn đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này còn tăng mạnh hơn nữa” - Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.

5 vấn đề trọng điểm cần triển khai ngay sau COP 15

Đó là nghiên cứu xây dựng nâng cao hiệu quả đê biển, đê vùng đồng bằng sông Cửu Long; bảo vệ và phát triển rừng, đặc  biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn; triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống thiên tai, nhất là bão, lũ, triều cường; các giải pháp để giữ vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; hiện đại hóa, đồng bộ hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, những dự án nằm trong 5 trọng điểm này sẽ được triển khai mạnh mẽ, khẩn trương ngay từ bây giờ, để ứng phó với BĐKH.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết: Trở về từ Hội nghị COP 15, Bộ TN&MT sẽ làm việc với một số đại sứ các quốc gia có cam kết hợp tác với Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, đồng thời Bộ Ngoại giao sẽ thông báo cho Đại sứ Việt Nam tại các nước đó biết tình hình để triển khai các hoạt động thúc đẩy. Quan trọng hơn cả là phải xây dựng được các dự án dựa trên 5 trọng điểm một cách khả thi để nhanh chóng kêu gọi đầu tư.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc làm thế nào để tránh trùng lặp dự án về BĐKH trong khi đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ rất “ồ ạt” trong những năm tới, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, NTP là một “hành lang” về chính sách để các dự án triển khai cụ thể và hiệu quả. Đồng thời Nhóm hỗ trợ quốc tế về TN&MT, Nhóm tư vấn quốc tế triển khai NTP thường xuyên làm việc để sàng lọc lựa chọn dự án, tránh trùng lặp gây lãng phí./.

 

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN