Vĩnh biệt nữ anh hùng Nguyễn Thị Đoàn

09/07/2010 - 08:34
Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Đoàn.

Mọi người ai cũng bàng hoàng khi nghe tin nữ anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Đoàn đã “ra đi”. Có người hỏi đi hỏi lại đôi lần xem mình có nghe nhầm không, bởi ai cũng nghĩ chị chưa phải là già, mà bệnh tật thì chưa nghe. Nhưng chị đã ra đi thật rồi, lúc 7 giờ ngày 6-7-2010, ở tuổi 60 do căn bệnh ngặt nghèo, để lại cho mọi người sự tiếc thương vô hạn.

Khi  chị còn ở lứa tuổi đôi mươi, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi gặp chị - một cô gái có thân hình mảnh mai nhưng đã làm nên những kỳ tích. Ở tuổi chưa thành niên, chị đã tình nguyện làm giao liên cho cơ sở cách mạng ở xã Long Mỹ (Giồng Trôm). Hàng ngày, chị chuyển thư từ, tài liệu đi các cơ sở và nhận các nguồn thông tin từ cơ sở báo về tổ chức. Nhờ nhanh nhẹn, khôn khéo lại được lợi thế nhỏ người nên bọn địch không để ý, chị hoạt động an toàn, báo cáo về tổ chức nhiều nguồn tin có giá trị. Chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin ở lãnh đạo và được giao nhiều trọng trách. Có lần không may bị địch bắt tra khảo, dụ dỗ, hăm dọa với nhiều thủ đoạn, nhưng chị quyết không khai, tỏ rõ lòng kiên trung. Chị được tổ chức giới thiệu tham gia quân báo Tỉnh đội; đã cung cấp hàng trăm tin tức quan trọng, góp phần để lực lượng ta chủ động đối phó với địch, bảo toàn lực lượng và cơ sở cách mạng, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Bị địch phát hiện, chị được tổ chức chuyển sang công tác thanh niên và tuyên truyền vận động binh sĩ ngụy trở về làm ăn lương thiện, giúp đỡ cách mạng…

Năm 1968, chị đi học lớp y tá, ra trường về nhận nhiệm vụ tại Ban Quân y huyện Giồng Trôm. Phấn khởi với nhiệm vụ mới, chị và các đồng chí quân y đã khắc phục mọi khó khăn để kịp thời điều trị, chăm sóc thương, bệnh binh. Trong giai đoạn này, chị đã lợi dụng địa hình địa vật để xây dựng trạm tiếp nhận, trạm điều trị, có lúc nhờ nhà dân để làm cơ sở bí mật chứa thuốc men, dụng cụ y tế. Ở đây, chị được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau, lúc thì phụ trách trạm thu dung, khi thì làm trưởng một trại thương binh nặng. Ởũ vị trí công tác nào chị cũng cùng đồng đội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, thể hiện y đức của người thầy thuốc cách mạng “lương y như từ mẫu”. Chị luôn gần gũi, động viên, chăm sóc và an ủi thương, bệnh binh; luôn bám sát địa bàn, biết dựa vào dân để tổ chức, cứu chữa kịp thời cho thương, bệnh binh. Khi đơn vị đóng quân ở căn cứ Châu Bình, ngoài việc điều trị cho thương binh, chị và đơn vị còn điều trị cho nhân dân ở khu vực, được nhân dân tin yêu và hết lòng giúp đỡ. Năm 1970, do tình hình khó khăn chung, thiếu thuốc điều trị, chị đến nhà dân mượn tạm tiền mua thuốc để kịp thời điều trị cho thương binh, nhất là thương binh nặng. Lúc này, chị đã bán hết số nữ trang của má cho lúc thoát ly, nhưng vẫn không đủ, chị bí mật vượt rừng, băng lộ về lại Long Mỹ gặp má mượn được mười một ngàn đồng vừa bán lứa heo (trị giá hơn cây vàng) để về mua thuốc và lương thực nuôi dưỡng thương, bệnh binh. Mặt khác, chị lại tận dụng những loại cây lá có vị thuốc để bào chế các loại dược liệu chữa trị cho thương binh, tiết kiệm kinh phí của đơn vị. Ngoài ra, chị và đồng đội ở trại bệnh nặng còn tranh thủ thời gian đi bắt cá, tôm, cua, tận dụng đất để trồng tỉa rau màu đưa vào bếp ăn cải thiện cho anh em. Trong suốt thời gian chị phụ trách trạm, đơn vị đã hơn hai trăm lần di chuyển căn cứ với hàng ngàn lượt thương binh nặng trong khi địch ruồng bố và càn quét. Một lần trại đang chăm sóc và điều trị khoảng vài chục thương binh (có số rất nặng), thì được tin địch đang càn vào. Chị nhanh chóng chỉ huy đơn vị bình tĩnh di chuyển tất cả các thương binh nặêng ra vị trí an toàn, cất giấu y cụ, thuốc men và sẵn sàng chiến đấu. Nhờ tài trí, nhanh nhẹn, “miệng nói tay làm”, chị và đồng đội lần lượt cõng từng thương binh phân tán đến các vị trí trú ẩn, không phân biệt họ là ai, chỉ huy hay chiến sĩ, người to hoặc ốm yếu… Chị luôn ở tư thế sẵn sàng đánh lạc hướng địch để bảo vệ an toàn thương binh và đồng đội. Chính sự tận tụy, nhiệt tình đầy trách nhiệm của chị - người trại trưởng - mà nhiều thương binh nặng sớm trở lại vị trí chiến đấu. Điều này chị luôn giấu chặt trong lòng, mãi gần 35 năm sau, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, trong chương trình giao lưu gặp gỡ những tấm gương điển hình trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Bộ CHQS tỉnh, mọi người mới vỡ òa. Khi người dẫn chương trình hỏi chị về chi tiết “cõng thương binh” năm xưa, chị ngập ngừng e lệ, chưa nói thành lời thì từ dưới hội trường một vị đại tá cao, to bước lên sân khấu, trân trọng tặng chị bó hoa tươi thắm, bày tỏ lòng cám ơn đối với người trạm trưởng năm xưa đã cõng mình đến nơi trú ẩn an toàn. Đó là Đại tá Trần Quốc Việt, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre, nay là Chủ tịch Hội CCB tỉnh. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay khâm phục.

Chính lẽ đó mà tháng 6 năm 1972, Nguyễn Thị Đoàn được Tỉnh đội chọn đại diện Quân y tỉnh đi dự Hội nghị thi đua và báo cáo điển hình cấp Quân khu và Hội nghị Mừng công toàn miền Nam. Ngày 20-12-1973, chị vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau 30 năm dài cống hiến trong quân đội, anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Đoàn nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Trở lại cuộc sống đời thường, chị lại tiếp tục đóng góp sức mình, xây dựng quê hương bằng những thành quả lao động chân chính của mình và chị rất tự hào được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

… Tuy đã đi xa, nhưng hình ảnh chị Nguyễn Thị Đoàn vẫn in đậm trong lòng của đồng chí, đồng đội, bạn bè, người thân và bà con Châu Bình, Long Mỹ, Lương Hòa, Lương Phú…, chị mãi là niềm tự hào của nữ quân nhân. Chị đã sống xứng đáng với hình ảnh của một người nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. 

Một nén hương lòng tiễn chị đi về cõi vĩnh hằng!.

KIM LOAN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN