Trong Thông cáo có đoạn nhấn mạnh: Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng trên 80 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng đầu tiên và Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta. Đảng, Nhà nước quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.
Nỗi đau buồn thương về sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời (lúc 18h 9 phút ngày 4-10-2013, thọ 103 tuổi) không chỉ đến với quân và dân cả nước mà còn đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp là những danh từ mà trong suốt thế kỷ XX các dân tộc thuộc địa khắp địa cầu hô vang như biểu tượng, ngọn cờ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Những ngày này, đã cuối thu, trời Hà Nội se lạnh. Ngôi nhà của Đại tướng trên đường Hoàng Diệu vắng lặng hẳn. Chắc hẳn, trước khi qua đời trái tim vị Đại tướng vẫn hướng về nhân dân, vẫn lo nỗi lo đồng cảm với đồng bào đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 10 quét qua miền Trung, trong đó có Quảng Bình quê hương ông. Thật xúc động và ngậm ngùi khi qua các phương tiện thông tin đại chúng, mọi người dân được biết: nhiều gia đình quân nhân và hộ gia đình do không có điều kiện trực tiếp tham dự lễ tang Đại tướng, do vậy họ đã lập bàn thờ tại nhà bái biệt vong hương Đại tướng với tất cả lòng thành kính và khâm phục. Có vị tướng già thắp nhang và thổn thức thầm đọc: Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa. Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với tập thể cán bộ, viên chức của
hai trường: Trung học sư phạm Bến Tre và Cao đẳng sư phạm Bến Tre
ngày 4-12-1984.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba của nhân dân Việt Nam. Ông là vị chỉ huy tối cao của Quân đội Việt Nam trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất cho nước nhà, giang sơn về một mối. Lịch sử đã khẳng định, dưới sự chỉ huy của Đại tướng, quân và dân cả nước đã hiện thực hóa tư tưởng và nghệ thuật quân sự của Đảng và Hồ Chủ tịch. Phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, quan điểm về vận động quần chúng, xây dựng Quân đội từ nhân dân, tạo thế và lực, nắm bắt thời cơ, tư tưởng tiến công và tiến công liên tục và các chiến thuật, kỹ thuật trong tấn công, phòng ngự thường xuyên được Bộ Tổng Tư lệnh đúc kết để trở thành nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Các nhà nghiên cứu quân sự thế giới luôn nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với thái độ trân trọng, khâm phục và gọi là vị tướng “bất bại”. Việc Tổng chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu và chiến thắng các đội quân thiện chiến, khí tài hiện đại sừng sỏ nhất thế giới đã chứng minh điều đó mà chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến thắng Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là đỉnh cao của trí tuệ và sức mạnh Việt Nam.
Với nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người “Anh cả” của các lực lượng vũ trang, người gắn bó và cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cuộc sống hòa bình, ấm no của nhân dân. Là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII, Đại tướng không chỉ cùng toàn quân, toàn dân quan tâm đến việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, mà còn quan tân đến các vấn đề quốc kế dân sinh, nhất là các lĩnh vực giáo dục, phát triển khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu lịch sử dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh…
Nhớ thương vô hạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân và dân Bến Tre không bao giờ quên lời khen ngợi của Đại tướng về sự sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân xứ Dừa trong phong trào Đồng Khởi năm 1960: “… Trong thời gian đó hình thành sự đấu tranh rất sáng tạo, rất là mới trước sự khủng bố ác liệt như vậy, mà có thể nói hình thành được đội quân tóc dài, kết hợp chính trị, quân sự, binh vận làm thất bại âm mưu của địch, bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền lợi của nhân dân ta”.
Cán bộ, đảng viên, quân và dân Bến Tre tôn kính và tự hào về sự tài ba, lỗi lạc của Đại tướng. Mãi mãi còn đó hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, học sinh vào thời điểm khó khăn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và trước khi cả nước bắt tay vào công cuộc đổi mới. Phong thái bình dị, đức độ và những lời phát biểu chí tình, chí nghĩa của ông tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ và nhân dân quê Dừa đoàn kết, đồng tâm hiệp lực vượt qua bao gian khó, quyết tâm phát huy truyền thống quê hương Đồng Khởi trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phát triển kinh tế, khơi dậy tiềm năng đất và người Bến Tre, xây dựng địa phương vững mạnh về quốc phòng, an ninh.
Về những điểm nổi bật và độc đáo của Đại tướng, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã bước đầu đúc kết. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng lừng danh thế giới duy nhất thọ trên 100 tuổi, vừa là nhà quân sự tài ba vừa là nhà khoa học uyên bác khi trực tiếp lãnh đạo kháng chiến thắng lợi và viết sách tổng kết chiến tranh, với nhiều bài học quí giá được coi là “Binh pháp thời hiện đại”. Trước khi là nhà quân sự, Đại tướng từng là nhà báo, nhà giáo, người nghiên cứu lịch sử, văn hóa… Ông tìm thấy và kế thừa, vận dụng sáng tạo những tinh hoa, giá trị truyền thống của dân tộc mình để tạo nên sức mạnh thần kỳ trong cuộc đấu tranh vì dân tộc mình, nhân dân dân mình.
Người dân quê tôi có truyền câu nói của ông bà để lại: Sống làm tướng, chết làm thần. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là vị tướng của dân tộc Việt Nam, của quê hương Bến Tre Đồng Khởi.