Võ Trường Toản - Nhà giáo lớn của đất Nam bộ

25/09/2007 - 19:43

Võ trường Toản – Nhà giáo lớn đầu tiên của Nam bộ – cho đến giờ chưa có nhà nghiên cứu nào tìm ra ông sinh năm nào, học chữ của ai, ở đâu. Chỉ biế rằng tổ tiên ông là người Trung Hoa, do không chấp nhận ách thống trị khắc nghiệt của bọn phong kiến Mãn Thanh, theo tàn quân nhà Minh chạy sang nước ta lánh nạn (Dân ta gọi là người Minh hương).

 Lúc đầu gia đình ông sinh sống ở làng Thanh Khê, Quảng Đức, nay là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau đó không lâu ông cùng gia đình hòa vào đoàn người đi mở cõi phương Nam định cư và lập nghiệp ở Bình Dương, Gia Định.

 

Ông là người học rộng, tài cao, đức độ, khiên hòa, nhân hậu, thông đạt cổ kim. Nguyễn Anh đang lúc gặp nguy, vì việc mưu chống nhà Tây Sơn, nghe tiếng ông là người tài trí bèn cho người dời ông đến để thăng quan, trọng đãi, ông một mực từ khước. Dù vậy, sau đó ông dâng lên chúa Nguyễn mười điều quan yếu, liên quan đến mưu lược hành quân và kế sách trị nước sau này của vua Gia Long. Từ đó, Gia Long thường mời ông đến luận bàn quốc sự và kinh sách rất tương đắc.

 

Năm 1788, có mở khoa thi tại Gia Định, các học trò của ông đều đỗ đầu bảng. Như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định. (Ba nhân vật này sau là những công thần nổi tiếng của triều Nguyễn, được người đời xưng tụng là “Gia Định tam gia thi”). Ngoài ra còn một số học trò của ông tên tuổi cũng rất lẫy lừng, hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Như Phan Tiến Đường, Ngô Tùng Châu, Lê Bá Phẩm… Tất cả họ đã lấy sở học của mình ra giúp dân, giúp nước làm rạng danh thầy Võ. Giới Nho học bấy giờ tôn ông là “Võ phu tử”.

 

Ông tạ thế ngày mùng 09 tháng 06 năm Nhâm Tý, tức ngày 27 tháng 07 năm 1792, tại làng Hòa Hưng, phủ Tân Bình. Bấy giờ vua nhà Nguyễn cảm đức tuyên dương công nghiệp của thầy Võ với dòng chữ: “Gia định Xử sĩ sùng đức Võ Tiên sinh”, được ghi trên bia mộ. Để kính cẩn công đức, tài ba lỗi lạc của Thầy, các học trò của ông đã đề câu liễn: “Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử. Một hậu thinh danh tại thế, tuy vong giả bất vong”. (Dịch nghĩa: Lúc sống dạy dỗ người đời không con cũng như có. Chết, tiếng tăm còn để, mất mà chẳng mất).

 

Năm 1865, năm Tự Đức thứ 18, giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, mặc dù không trực tiếp học ông, nhưng  quan Đại thần Phan Thanh Gian, cùng với Nguyễn Thông, Võ Gia Hội, Phạm Hưũ Chánh, do nễ vì, cảm kích công đức, tài ba của một nhà giáo lớn, theo truyền thống tôn sư trọng đạo, nhóm sĩ phu này đã đưa di hài ông cùng vợ và ấu nữ về cải táng tại đất cụ Phan Thanh Giản ở làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long ( nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) để tránh gót giày xâm lược. Văn bia được cụ Phan Thanh Gian viết năm Tự Đức thứ 20 (1867) đến nay hãy còn. Ngoài ra thầy Võ còn được trang trọng thờ phụng trong Văn Xương Các ở Vĩnh Long.

Phạm Bội Anh Thuyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN