Với mô hình trồng rau an toàn

20/03/2017 - 06:18

Học sinh chăm sóc vườn rau an toàn. Ảnh: M.Phương

Tổ chức hoạt động trải nghiệm nhằm hình thành kỹ năng sống cho học sinh là một trong những tiêu chí được các trường phổ thông hướng đến. 

Với mục đích ấy, thời gian qua, Trường THPT Lương Thế Vinh (Thạnh Phú) đã thực hiện mô hình trồng rau an toàn trong nhà trường. Qua mô hình này, học sinh không chỉ biết yêu lao động mà còn hình thành ở các em ý thức khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Lom khom kéo ống nước để nhóm thiết lập hệ thống tưới xoay cho vườn rau, mồ hôi nhễ nhại nhưng “cậu ấm” Tấn Quyên lớp 10A1 vẫn nở nụ cười tươi. Là con một trong gia đình, kinh tế lại khá giả, Quyên gần như được ba mẹ lo chu toàn. Quyên cho biết, công việc này với em khi mới tham gia nhóm là việc làm lắm khó khăn, vất vả. “Thấy mọi người hăng hái mình cũng muốn thử sức và kết quả thật bất ngờ. Giờ thì em không còn thời gian để chơi game hay la cà cùng các bạn. Công việc trồng rau không nặng nhọc lắm nhưng khi tự làm ra sản phẩm, em thấy quý sức lao động mình hơn” - Quyên nói.

Còn Kim Chi, lớp 10A3, nhóm trưởng nhóm trồng rau mầm tâm đắc, vì tham gia mô hình sẽ biết cách xây dựng kế hoạch hoạt động cho công việc. Làm việc tập thể giúp mọi người có ý thức, trách nhiệm hơn. Điều quan trọng hơn là biết vận dụng kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn như hiểu rõ về kỹ thuật gieo trồng, cách chăm sóc một số loại rau cải, biết tác hại của phân bón, thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người. “Bước đầu chúng em biết vận dụng kiến thức toán học để đo diện tích, tính mật độ gieo trồng, tính khối lượng hạt giống cần thiết, tính toán được chi phí, công chăm sóc, biết cách đo đạc, lắp đặt hệ thống tưới xoay trong khu vực trồng rau cải. Giờ thì chúng em thấy yêu lao động, hiểu được giá trị của lao động trong cuộc sống” - Chi chia sẻ.

Mô hình trồng rau hữu cơ an toàn của trường gồm 2 nhóm với 21 thành viên. Trong đó, nhóm trồng rau hữu cơ có 15 thành viên và nhóm trồng rau mầm có 6 thành viên. Cô Đồng Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: Hiện nay, việc giáo dục đạo đức học sinh không còn dừng lại ở những tiết học trên lớp mà cần phải hướng đến những hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bằng công việc cụ thể, các em rèn luyện cho mình kỹ năng cần thiết, góp phần hình thành đạo đức, nhân cách một cách tích cực, hiệu quả. Trải nghiệm thực tế bằng việc trồng rau không chỉ giúp các em ôn lại kiến thức đã học mà còn giúp các em có tư duy mới. Đó là tư duy khởi nghiệp trong học sinh THPT. Chỉ là việc trồng rau nhưng các em có thể hình thành những ý tưởng khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương”.

Em Bạch Cúc, nhóm trưởng nhóm trồng rau hữu cơ chia sẻ: Việc trồng rau trong trường vừa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp vừa giúp học sinh vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất. “Mô hình này giúp chúng em có định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Dù diện tích trồng không lớn nhưng qua đây chúng em tính được mình đầu tư như thế nào, lợi nhuận ra sao. Hiểu được quy trình làm đất, biết cách gieo trồng, sau này em sẽ học nông lâm để phát triển ngành nghề tại địa phương. Tự mình khởi nghiệp hay liên kết nhiều người để tạo ra sản phẩm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương hay xa hơn là xuất khẩu lao động nhưng với hình thức sản xuất nông nghiệp” - Cúc bộc bạch.  

Hiện tại mô hình trồng rau của trường sản xuất các loại rau như: rau muống, cải, đậu bún, mồng tơi, khoai lang, đậu bắp, hành... thời gian thu hoạch từ 30 - 60 ngày tùy loại rau với giá bán từ 8 - 15 ngàn đồng/kg. Riêng với rau mầm thu hoạch cách ngày với giá bán 40 ngàn đồng/kg. Trường bán chủ yếu cho căn-tin trường, phụ huynh học sinh, giáo viên tại trường và một số quán ăn đóng trên địa bàn xã An Qui.

P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN