Tác giả Hellmut Kapfenberger: Tư tưởng lớn nhất của Người là tư tưởng Nhân dân, vì Nhân dân, tin ở Nhân dân
Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa chính thức giới thiệu tới độc giả cả nước bản dịch cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” của tác giả người Đức, Hellmut Kapfenberger. Tác giả cuốn sách là người đã gắn bó với Việt Nam nhiều năm với tư cách phóng viên Hãng Thông tấn CHDC Đức (ADN), rồi Trưởng Văn phòng đại diện Đông Dương của ADN đóng tại Hà Nội. Có mặt tại Việt Nam trong dịp này, tác giả Hellmut Kapfenberger đã dành cho VOV một cuộc phỏng vấn.
PV: Thưa ông, lý do gì khiến ông quan tâm và tìm hiểu về cuộc đời cũng như sự nghiệp của Hồ Chí Minh?
Ông Hellmut Kapfenberger: Khi ở Đức, tôi thường tự hỏi, Hồ Chí Minh là ai, ông đã sống như thế nào. Nhưng năm 1970 khi tôi sang đến Việt Nam, Người đã ra đi. Tôi tiếc vì không được diện kiến Người. Đối với tôi, Hồ Chí Minh đã trở thành một khái niệm. Ngay từ năm 1965, với tư cách một nhà báo, tôi đã quan tâm đến Việt Nam. Và tất nhiên, khi quan tâm đến Việt Nam thì người ta sẽ quan tâm đến Hồ Chí Minh. Vài ngày sau khi đặt chân đến Việt Nam, tôi đã đến thăm làng Kim Liên, để được chứng kiến cuộc sống của Người thời thơ ấu. Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hoá của thế kỷ 20 mà tôi khẳng định trên thế giới này không có một nước nào có một nhân cách vĩ đại như thế. Người rất khiêm tốn, giản dị đầy cao quý. Thế nên năm 2008, khi một nhà xuất bản ở Berlin đề nghị viết về Hồ Chí Minh, tôi đã nhận lời.
PV: Đã có rất nhiều người viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vậy với “Hồ Chí Minh - một biên niên sử” có điều gì khác, thưa ông?
Ông Hellmut Kapfenberger: Điều khác đầu tiên đó là cuốn sách này được viết bởi một người châu Âu, mà tôi là người Đức, nên có những cảm nhận rất riêng, của một người từng gắn bó với Việt Nam nhiều năm chứ không đơn thuần là của một nhà nghiên cứu. Tôi không muốn viết về cuộc đời của Người như một tiểu sử đơn thuần mà phải thật sống động. Vì thế, tôi đã tìm hiểu các tư liệu về cuộc đời của Người. Đây là một công việc khó khăn nhưng cũng mang lại cho tôi nhiều niềm vui.
|
Ông Hellmut Kapfenberger ký sách tặng độc giả |
PV: Ông hoàn thành cuốn sách trong bao lâu, và có khó khăn gì trong việc tìm tư liệu để viết?
Ông Hellmut Kapfenberger: Cuốn sách được tôi viết trong 2 năm. Thời gian này tôi không sang Việt Nam vì sức khoẻ không bảo đảm. Cũng vì thế nên tháng 5/2010, tôi không sang được Việt Nam vào dịp cuốn sách ra mắt. Tôi tìm tư liệu về Việt Nam ở Berlin. Ngay từ năm 1984, tôi đã tìm nhiều tư liệu nói về Việt Nam, những cuốn sách, tạp chí về Việt Nam trong đó có một cuốn sách xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp về Bác Hồ. Có một tác giả người Pháp cung cấp cho tôi nhiều tư liệu hay về Hồ Chí Minh. Đây là một cuốn sách đề cập rất tốt đến tiểu sử của Người. Trong quá trình tìm kiếm thu thập tư liệu, tôi luôn tự đặt ra những câu hỏi và những câu trả lời, tôi đã đưa vào trong cuốn sách này.
Qua quá trình nghiên cứu, tôi thấy cuộc đời Hồ Chí Minh còn có nhiều giai đoạn chưa được đề cập đến. Ví dụ như giai đoạn từ 1911-1941 khi Người ở nước ngoài. Đây là giai đoạn chưa được biết nhiều. Mong rằng các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cần tìm hiểu thêm nữa.
PV: Hành trình của cuốn sách về với Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Hellmut Kapfenberger: Cuốn sách được xuất bản tại Berlin năm 2009. Vì là người gắn bó với Việt Nam nên tôi muốn Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Và tôi cũng như mọi người - không được phép quên Hồ Chí Minh - một người đã có đóng góp lớn lao đối với một dân tộc. Tôi mong muốn các thế hệ thanh niên biết nhiều hơn về Hồ Chí Minh. Sau khi cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Đức, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đề nghị xuất bản sách bằng tiếng Việt. Và khi cuốn sách được dịch ra tiếng Việt thì tôi tự hào khi mọi người quan tâm đến cuốn sách này.
PV: Giai đoạn nào trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự gây ấn tượng đối với ông?
Ông Hellmut Kapfenberger: Ồ, khó có thể nói là giai đoạn nào, vì với tôi cả cuộc đời của Hồ Chí Minh thực sự rất ấn tượng. Ví dụ như giai đoạn năm 1911, khi trong tay không có phương tiện, tiền bạc, nhưng Người dám lên một con tàu của Pháp ra đi tìm đường cứu nước. Sau đó Người đã vừa sống, vừa lao động, tìm hiểu khi ở Anh, Pháp...
Tôi cũng rất ấn tượng về quá trình Người sống ở Hongkong, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Và tôi cũng ấn tượng năm 1941, Người trở lại đất nước ở Pắc Bó, Cao Bằng - nơi Người đã phác thảo ra nhiều hướng đi cho công cuộc giải phóng đất nước. Điều tôi ngạc nhiên là với điều kiện sống như thế, Người không những có thể vượt qua được mà còn trở thành một con người lỗi lạc của dân tộc.
PV: Theo ông, đâu là tư tưởng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Ông Hellmut Kapfenberger: Tư tưởng lớn nhất của Người là tư tưởng Nhân dân, vì Nhân dân, tin ở Nhân dân. Có như thế, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của đất nước các bạn mới thắng lợi như ngày hôm nay.
PV: Được biết ông đang ấp ủ viết một cuốn sách về Đường mòn Hồ Chí Minh. Ông có thể chia sẻ về cuốn sách sắp tới này không?
Ông Hellmut Kapfenberger: Sau “Hồ Chí Minh - một biên niên sử”, tôi quyết định sẽ viết một cuốn sách về đường mòn Hồ Chí Minh. Năm 1984, tôi được trò chuyện với tướng Võ Bẩm - là người được Hồ Chí Minh trao cho việc mở đường 559 - tức đường Hồ Chí Minh. Rất tiếc ông Võ Bẩm hiện không còn nữa. Vì vậy, tôi xin gặp tướng Đồng Sĩ Nguyên và rất vui mừng vì ông Đồng Sĩ Nguyên đã cung cấp nhiều thông tin quý báu. Chúng tôi trao đổi về đường mòn Hồ Chí Minh đã ra đời như thế nào, ý nghĩa và vai trò của nó. Đây là nguồn tư liệu quý giúp tôi sớm hoàn thành cuốn sách này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./