Toàn cảnh bùn đất từ hồ chứa tràn xuống, phá hủy nhà cửa, vật dụng của cư dân thị trấn Vila Ferteco, bang Minas Gerais, Brazil sau khi vỡ đập, ngày 25-1-2019. Ảnh: THX/TTXVN
Số người thiệt mạng trong vụ vỡ đập hồ chứa chất thải xảy ra ngày 25-1-2019 tại bang Minas Gerais, Đông Nam Brazil, hiện là 9 người, trong khi số người được thông báo mất tích đã lên tới hơn 300 người.
Con số đưa ra trước đó là gần 200 người mất tích.
Vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao thuộc sở hữu của tập đoàn khai thác khoáng sản Vale, nhà sản xuất và khai thác sắt lớn nhất thế giới, đã làm tràn hàng nghìn mét khối bùn và nước xuống khu vực dân cư xung quanh.
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, hồ chứa có khoảng 1 triệu mét khối chất thải khoáng sản.
Bùn và nước từ hồ chứa đã tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ, nơi các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa, sau đó tiếp tục đổ xuống khu vực dân cư ở thị trấn Vila Ferteco.
Lực lượng cứu hộ và phòng vệ dân sự bang Minas Gerais đã có mặt sau khi xảy ra sự cố để triển khai công tác sơ tán người dân, cũng như tìm kiếm những người mất tích.
Hiện, vẫn còn một số khu dân cư bị cô lập và chưa thể tiếp cận được.
Bộ Y tế Brazil cho biết đã triển khai kế hoạch cứu hộ khẩn cấp với đầy đủ trang thiết bị và thuốc men để cứu chữa cho khoảng 500 người.
Toàn bộ các bệnh viện tại thành phố Belo Horizonte, thủ phủ bang Minas Gerais đã được chỉ đạo sẵn sàng tiếp nhận các nạn nhân của vụ vỡ đập này.
Trong khi đó, Chính phủ Brazil cũng đã quyết định thành lập một trung tâm xử lý khủng hoảng.
Dự kiến, trong ngày 26-1-2019, Tổng thống Jair Bolsonaro sẽ có mặt ở nơi xảy ra sự cố để giám sát tình hình.
Cách đây 4 năm, cũng tại bang Minas Gerais đã xảy ra một vụ vỡ đập thuộc sở hữu của Vale và tập đoàn khai thác khoáng sản BHP Billiton của Australia khiến 19 người thiệt mạng và hàng trăm người phải đi sơ tán.
Đây được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, gây ra một cuộc khủng hoảng nước sạch ảnh hưởng tới 250.000 người và khiến hàng nghìn con cá bị chết.
Ước tính 60 triệu m3 chất thải đã đổ ra các con sông và cuối cùng là Đại Tây Dương.
Nguồn: Vietnam+