Vượt khó, tạo việc làm cho chị em phụ nữ

22/07/2015 - 13:26
Chị Nguyễn Thị Kim Phương (ngồi giữa) hướng dẫn các chị cắt vải.

Nếu hơn 15 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Phương, ấp Vinh Điền, xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại ra riêng với “túp lều tranh” thì hiện nay vợ chồng chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang và giúp chị em phụ nữ trong ấp có việc làm và thu nhập ổn định.

Năm 1998, chị kết hôn và ra sống riêng trên mảnh đất của gia đình chồng, ngôi nhà được xây dựng bằng  cây lá tạm bợ để che mưa, tránh nắng. Chồng chị đi làm mướn, chị ở nhà chăm sóc con và vót lá dừa bán kiếm tiền. Cuộc sống khó khăn, không nghề nghiệp, không được học hành đến nơi, đến chốn, con lại hay bệnh nên chị rất cần có việc làm. Chị Phương tâm sự, nhiều lúc chị muốn gửi lại con cho ông bà nội, bà ngoại rồi lên TP. Hồ Chí Minh làm mướn. Trong lần đưa con đi khám bệnh ở Tiền Giang, chị thấy tờ giấy quảng cáo về dệt thảm nên ghi lại thông tin để về nhà điện thoại hỏi thăm. Vì chị là người lạ nên chủ cơ sở chỉ giao cho chị 50kg vải dệt thảm và yêu cầu chị thế chấp cả sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân. Chị lãnh về dệt gia công, mỗi tấm thảm tiền công được 200 đồng. Sau lần đó, chủ thấy chị chịu khó và biết được hoàn cảnh khó khăn nên nhận làm con nuôi, tiếp tục cho nhận hàng. Ban đầu, chị mướn cũng không ai dám làm, vì thấy hoàn cảnh gia đình nghèo nên cũng lo ngại. Bắt đầu từ vài chị em trong xóm đến phụ, hiện nay chị đã có 73 nhân công cắt vải và 4 người dệt thảm hàng ngày. Bình quân thợ dệt 60 - 70 ngàn đồng/ngày, thợ cắt khoảng 25 ngàn đồng/ngày. Chủ yếu sử dụng lao động nhàn rỗi, chị em cắt vải có thể nhận về nhà làm để tiện chăm lo nhà cửa. Việc làm này phù hợp với các chị em lớn tuổi hay các em gái không muốn đi xa. Mỗi chị em đến làm đều được chị Phương hướng dẫn kỹ thuật; đồng thời chị cũng yêu cầu chị em đặt chất lượng lên hàng đầu để giữ chữ tín với khách hàng. Nhờ vậy, đơn đặt hàng của chị ngày càng nhiều và nhận được sự tin tưởng của khách hàng gần xa. Mỗi ngày, các chị làm từ khoảng 4  giờ chiều đến 8 giờ tối. Mỗi tháng chị Phương bán ra thị trường khoảng 2 - 3 ngàn tấm thảm. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, chị còn lãi từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Buổi sáng, chị Phương cùng các chị em đi bào dừa mướn tại cơ sở gần nhà để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Chia sẻ kinh nghiệm, chị Phương cho rằng, bản thân mình phải chịu khó, cố gắng mới có thể làm lâu dài. Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn như hàng làm ra bị trả về gần phân nửa, đôi khi cũng thấy chán nản, tuy nhiên được chồng động viên và bản thân nghĩ mình có việc làm là may mắn lắm rồi nên phải cố gắng hơn. Từng trải qua giai đoạn khó khăn nên thấy chị em nào có cùng hoàn cảnh là chị tìm cách giúp đỡ. Khi hỏi về gia đình, chị cười tươi và nói: Cuộc sống kinh tế khó khăn, vợ chồng tôi luôn chia sẻ và cùng nhau vượt qua. Có chồng luôn ủng hộ, sát cánh, tinh thần tôi vững vàng hơn. Ngoài ra, con trai 16 tuổi sau những giờ đến trường cũng giúp mẹ dệt thảm, bào dừa. Chị nói: “Dạy cháu làm việc để cháu biết được giá trị của đồng tiền, sau này cố gắng sống tốt”.

Bà Đỗ Thị Xuân Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Nhờ nghề dệt thảm của chị Phương, Hội đã tập hợp được chị em trong ấp và thành lập được mô hình dệt thảm. Lúc trước việc vận động chị em tham gia các hoạt động, phong trào của Hội rất khó. Ngoài ra, hàng tháng các chị còn tổ chức họp để chia sẻ kinh nghiệm sống về gia đình, tình trạng bạo lực gia đình và các phong trào của địa phương.

Bằng ý chí và nghị lực, chị Phương đã vượt lên khó khăn, nuôi dạy con học tốt và giúp đỡ các chị em có cùng hoàn cảnh khó khăn vươn lên, trở thành tấm gương tiêu biểu để chị em khác học tập noi theo.

Bài, ảnh: Xuân Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN