 |
Chợ khu vực phường 7. Ảnh: T.L |
Theo Sở Công thương, năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 12 tỷ đồng và tăng gần 15% so năm 2008, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của nhân dân, giúp sản xuất được duy trì và phục hồi tăng trưởng.
Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, sở đã chỉ đạo Phòng Công thương các huyện tích cực đầu tư củng cố, mở rộng mạng lưới chợ và quan tâm phát triển loại hình thương mại truyền thống theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa. Trong năm, toàn tỉnh xây mới và nâng cấp 12 chợ, vượt 20% kế hoạch năm với tổng vốn đầu tư là 22,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ các tiểu thương và doanh nghiệp là 19,9 tỷ đồng, chiếm 87% trong tổng vốn. Điển hình là huyện Ba Tri, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam đã tích cực thực hiện có hiệu quả mô hình này.
Ông Huỳnh Văn Hôn - Trưởng phòng Công thương huyện Ba Tri cho biết, hàng năm, sau khi có Nghị quyết của Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân huyện, Phòng Công thương đã nhanh chóng tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai đến các ngành liên quan, đặc biệt là phân công, hướng dẫn cụ thể đến các xã xây dựng chợ như khảo sát chọn địa điểm, triển khai vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đo đạc, giải phóng mặt bằng, bồi thường, thiết kế, dự toán… Sau đó, phòng thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện từng công đoạn, đảm bảo đúng quy trình, nguyên tắc và quy định của pháp luật. Vì thế, các chợ hoàn thành và đưa vào sử dụng đều đạt hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2009, huyện khởi công xây dựng 5 chợ, trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 chợ như chợ Mỹ Chánh, chợ Bãi Ngao, chợ Bến Vựa. Ông Hôn cho biết, nét mới trong xây dựng chợ năm qua là huyện mạnh dạn cho phép tư nhân đầu tư, khai thác và quản lý chợ; giúp tiến độ xây dựng công trình được nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Thâm Thúy - Trưởng phòng Công thương huyện Châu Thành, tình hình lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ tại Khu Công nghiệp Giao Long diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông của tỉnh lộ 883. Huyện đã gợi ý với những chủ đất lân cận về việc đầu tư xây chợ. Sau đó, ông Nguyễn Thế Hùng, một nông dân cư ngụ tại đây đã đồng ý sử dụng 2.000m2 đất và đầu tư xây dựng chợ hoàn toàn từ kinh phí của gia đình. Chợ hoạt động sẽ phục vụ nhu cầu mua bán khá lớn cho trên 50 hộ tiểu thương tại đây và sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 10.000 công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp. Cũng theo cách thức kêu gọi người dân đầu tư để mở rộng mạng lưới chợ và hoạt động bằng phương thức lấy chợ nuôi chợ, sau khi chợ ngã tư Tân Bắc - Tân Phú, chợ ấp 4 - Quới Sơn… đi vào hoạt động đã hình thành khu dân cư đông đúc, quang cảnh quanh đây cũng có sự thay đổi, không còn nhếch nhác, bề bộn. Người dân biết chỉnh sửa, tạo bộ mặt khang trang cho phố, ấp và gia đình, chấm dứt tình trạng bày bán hỗn loạn gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Hiệu quả lớn hơn nữa là hệ thống chợ mở rộng sẽ phục vụ tiêu dùng cho người dân ngày càng rộng khắp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ở những xã đã hình thành 2 chợ như Phú Túc, Tân Phú, Tiên Thủy, Quới Sơn… và các chợ tập trung hoạt động ngày đêm như chợ Tân Thạch, Tân Huề Đông, Thành Triệu, An Hóa hiện đều được xử lý rác theo hình thức thu gom của chương trình đô thị.
Đối với thành phố Bến Tre, Ông Võ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: Thành phố cũng thực hiện nhiều phương thức xây dựng chợ. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư và lấy chợ nuôi chợ như chợ P7, chợ Tân Thành, chợ Đầu mối (gần cầu Cá Lóc). Kế hoạch nâng cấp xây dựng chợ Tú Điền, Bình Phú, Phường 6 cũng theo phương án này.
Tuy nhiên, để các chợ hoạt động thật sự hiệu quả và bền vững, ngành công thương đã tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo tỉnh vận động, hướng dẫn các xã, phường đăng ký xây dựng chợ văn hóa, quầy hàng văn minh nhằm tạo sự hoàn thiện về hạ tầng cơ sở thương mại, tạo sự văn minh trong mua bán, ổn định trật tự trong kinh doanh, nhất là việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nhờ vậy, trong năm, các huyện, thành phố đã công nhận thêm 11 chợ văn hóa, nâng tổng số chợ văn hóa trong toàn tỉnh hiện là 25 chợ. Riêng Ba Tri có thêm 4 chợ đạt danh hiệu Chợ Văn hóa.
Để tiếp tục phát triển ngành, bà Dương Ngọc Duyên-Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong năm 2010, ngành sẽ phối hợp các địa phương xây dựng mới và nâng cấp 10 chợ, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lên 15.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so năm 2009.