Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

07/10/2020 - 07:12

BDK - Khoảng 90% dân số của tỉnh đang sống ở khu vực nông thôn. Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn có vai trò quan trọng, nhằm từng bước thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đan ghế ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Nguyễn  Dừa

Đan ghế ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Nguyễn  Dừa

Nâng thu nhập cho lao động nông thôn

Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã xác định mục tiêu của dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. 

Bên cạnh đó, trang bị cho lao động nông thôn có kiến thức về khoa học kỹ thuật; có kỹ năng sản xuất để tăng năng suất lao động, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của địa phương. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm.

Đào tạo nghề gắn với tiêu chí (TC) ở các xã về xây dựng NTM. Trong đó ưu tiên đào tạo 10% người khuyết tật, 40% lao động nữ và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, ngư dân, bộ đội xuất ngũ.

 Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2011 - 2020, tỉnh đã đào tạo nghề cho 50.804 người, kinh phí thực hiện 64,7 tỷ đồng. Khoảng 80% người lao động tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi đào tạo, tùy theo từng ngành nghề đào tạo như: kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ đạt 90%, nghề may công nghiệp đạt từ 80%, nghề đan đát, bó chổi đạt 90%; nghề điện dân dụng, xi-măng giả gỗ và các nghề nông nghiệp có khoảng 70% người học nghề nông nghiệp đã áp dụng kiến thức học tập vào điều kiện sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Từ năm 2016 - 2018, toàn tỉnh có 34 xã xây dựng NTM. Đến nay, có 100% xã đạt chuẩn theo bộ TC về tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 20% trở lên. Trong giai đoạn 2019 - 2020, tiếp tục thực hiện các TC trong bộ TC NTM đối với TC 14.3 về tỷ lệ qua đào tạo có 14 xã đạt tỷ lệ trên 25%.  

Các mô hình dạy nghề hiệu quả

Qua 10 năm triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các mô hình được xem là có hiệu quả thiết thực, gồm: Mô hình đào tạo nghề đan ghế nhựa trên khung sắt, đan giỏ từ cọng lục bình, may công nghiệp, đan giỏ tự hoại, đan bội kẽm. Người lao động tận dụng được thời gian nhàn rỗi để nhận nguyên liệu về gia công tại hộ gia đình, góp phần tăng thêm thu nhập.

Mô hình trồng nấm bào ngư ở xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri giúp lao động nông thôn có thêm thu nhập.

Mô hình trồng nấm bào ngư ở xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri giúp lao động nông thôn có thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, nhờ tận dụng những diện tích đất nhỏ hẹp, mương vườn, lao động nông thôn triển khai mô hình trồng nấm, nuôi tôm càng xanh có hiệu quả, tạo thu nhập khá cho người lao động. Nhìn chung, các mô hình đào tạo trên đang thu hút được số lượng lớn lao động tham gia học nghề để có việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho trên 80% người lao động sau khi học nghề. Tuy nhiên, trong những năm qua do giá cả thị trường giảm đối với gia súc, gia cầm, dừa. Do đó, mô hình chăn nuôi heo, bò, gà, dê tại hộ gia đình bước đầu gặp nhiều khó khăn. Các lớp dạy nghề về chăn nuôi có kế hoạch đào tạo nhưng ít có người tham gia học.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 15 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập. Trong số các cơ sở dạy nghề công lập trong giai đoạn 2011 - 2020, có 13 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm: 1 trường trung cấp công nghệ, 1 trung tâm dịch vụ việc làm, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, thành phố, 1 trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ và 1 trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật thuộc Hội Người mù tỉnh.

Từ năm 2010 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo cho hơn 127 ngàn người. Trong đó, cao đẳng 7.236 người, trung cấp 13.855 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 106.785 người (riêng đào tạo nghề lao động nông thôn 50.804 người). Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi tốt nghiệp bình quân trên 80%, học sinh tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp một số ngành nghề, như: điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại, may công nghiệp tỷ lệ có việc làm đạt trên 90%, mức lương tương đối ổn định. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30,95%, đảm bảo tiến độ thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ (vào năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 60 - 65%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%).

Sau 10 năm dạy nghề cho lao động nông thôn, một trong những hạn chế được ngành lao động - thương binh và xã hội đúc kết là: số giáo viên dạy nghề kỹ thuật vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp một số ngành nghề được xây dựng và giảng dạy nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết, thời gian thực hành còn ít, thời gian đào tạo ngắn, chất lượng đào tạo, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích