Kết quả 3 năm thực hiện công tác giảm nghèo

14/08/2019 - 07:16

BDK - Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 30, ngày 22-7-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Đề án sinh kế), toàn tỉnh có trên 9.600 hộ thoát nghèo, trong đó có 6.700 hộ thoát nghèo bền vững theo 3 tiêu chí của Đề án sinh kế là thỏa mãn các nhu cầu cơ bản theo tiêu chí đa chiều; thu nhập tăng và duy trì ở mức trung bình trở lên; thoát nghèo bền vững và không tái nghèo.

Thương binh Lê Văn Nga, xã Mỹ Hưng, Thạnh Phú thuộc diện hộ nghèo được vay vốn chăn nuôi bò, dê để phát triển sản xuất và đã thoát nghèo.

Thương binh Lê Văn Nga, xã Mỹ Hưng, Thạnh Phú thuộc diện hộ nghèo được vay vốn chăn nuôi bò, dê để phát triển sản xuất và đã thoát nghèo.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Cụ thể, sau khi triển khai Đề án sinh kế, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã hỗ trợ 15.655/15.858 hộ tham gia đề án, đạt gần 99% kế hoạch. Đến nay, có 9.337 hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp; 3.438 hộ sản xuất phi nông nghiệp, trong đó có 549 lao động tham gia khởi nghiệp bằng con đường xuất khẩu lao động.

Trên cơ sở Đề án sinh kế, UBND tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch về thực hiện Đề án sinh kế, Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo (KNTN) và tổ chức hội nghị triển khai đến 9/9 huyện, thành phố, 164 xã, phường, thị trấn và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án sinh kế, Chương trình KNTN năm 2016, 2017, 2018, 2019 trên địa bàn. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh xây dựng 10 kế hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án sinh kế và Chương trình KNTN hàng năm, đồng thời hướng dẫn điều tra, rà soát và xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Các địa phương tổ chức họp mặt, đối thoại trực tiếp với người nghèo, người cận nghèo để nắm bắt tâm tư, nhu cầu cần hỗ trợ của các hộ tham gia.

Đặc biệt, năm 2018, tỉnh chọn 19 xã làm điểm, như: Phú Hưng, Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre); Hữu Định, Phú Đức (Châu Thành); Châu Hưng, Vang Quới Đông (Bình Đại); An Thủy, An Ngãi Tây (Ba Tri); Hưng Phong, Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm); Thành Thới A, Thành Thới B, Bình Khánh Đông (Mỏ Cày Nam)… để tập trung chỉ đạo và rút kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án sinh kế cho các xã khác trên địa bàn.

Thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhiều cơ hội phát triển sinh kế như: tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, chăn nuôi, tận dụng tối đa diện tích đất để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập phù hợp với điều kiện của từng hộ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung các nhóm hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mô hình, sản xuất cùng mục đích để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để thành lập các nhóm/tổ hợp tác được xem là giải pháp quan trọng. Qua các tổ, nhóm hợp tác, người dân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và kết nối thị trường.

Trong 3 năm qua, các ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Điều phối Dự án AMD Bến Tre và UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng, nhân rộng 270 mô hình nuôi bò, dê, thỏ, gia cầm, sản xuất cây giống, hoa kiểng, rau màu… cho 3.124 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Đối với Chương trình KNTN, toàn tỉnh có 721 hộ tham gia, trong đó, có 198 hộ sản xuất nông nghiệp, 173 hộ sản xuất phi nông nghiệp và có 549/300 lao động tham gia khởi nghiệp bằng con đường xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng.

Tập trung nhiều nguồn vốn

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được Trung ương phân bổ giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh đã xây dựng 202 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với 1.511 hộ tham gia. Các mô hình sản xuất gắn với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và hộ gia đình, như: buôn bán nhỏ, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu (nuôi bò, dê, dệt thảm, bó chổi…). Tổng kinh phí thực hiện 24,71 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã giải ngân hỗ trợ trên 12 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện trên 353 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, có 640 hộ gia đình tại các làng nghề truyền thống được hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống tại địa phương như làm chổi cọng dừa, đan giỏ, đan ghế, làm hoa kiểng, dệt thảm… Thông qua hoạt động hỗ trợ vốn vay và tư vấn, định hướng cách làm ăn, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, vật liệu hiện có để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, Sở Công Thương hỗ trợ 58 dự án khuyến công, tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.700 lao động, kinh phí khoảng 8,3 tỷ đồng.

Nhìn chung, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án sinh kế, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp có sự chuyển biến bước đầu, xem công tác phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, đặc biệt là sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo.

Kinh nghiệm triển khai Đề án trong thời gian qua cho thấy, các sở, ngành, đoàn thể liên quan có xây dựng kế hoạch lồng ghép thực hiện Đề án sinh kế vào nhiệm vụ của đơn vị. Các huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phân công các thành viên phụ trách, theo dõi, hỗ trợ thực hiện Đề án sinh kế và Chương trình KNTN trên địa bàn.

Kết quả tự đánh giá mức độ thực hiện Đề án sinh kế, có 87/164 xã, phường, thị trấn đã triển khai Đề án sinh kế đến cơ sở, thực hiện tốt các nội dung, phương pháp và quy trình thực hiện Đề án sinh kế đến với người dân; 63 xã thực hiện khá và 13 xã thực hiện trung bình. Hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được quan tâm; sự phối hợp các ngành, đoàn thể có bước chuyển đổi nhất định, công tác theo dõi, quản lý, hỗ trợ hộ nghèo tham gia Đề án sinh kế từng bước đi vào cụ thể, cán bộ cơ sở một số nơi nắm chắc được hộ; có sự linh hoạt trong vận động lồng ghép nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo. Một số hộ nghèo dần chuyển đổi nhận thức, vượt khó vươn lên trong phát triển sản xuất và tham gia lao động tại thị trường nước ngoài nhiều hơn.

Bài, ảnh: Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN