Phú Vang phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

18/01/2021 - 07:07

BDK - Chủ tịch UBND xã Phú Vang Phạm Văn Thoàng cho biết, thực hiện theo Nghị quyết của Đảng ủy xã, trong nhiệm kỳ qua, với sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, công tác giảm nghèo của địa phương có bước chuyển quan trọng, bình quân hàng năm đã kéo giảm gần 3% tỷ lệ hộ nghèo. Dù chưa thoát khỏi “top” các xã nghèo nhất của tỉnh, huyện nhưng Phú Vang không còn là xã nghèo nhất huyện.

Tham quan mô hình chăn nuôi dê, bò của chị Lê Thị Trúc Linh, ấp Phú Thành, xã Phú Vang.

Tham quan mô hình chăn nuôi dê, bò của chị Lê Thị Trúc Linh, ấp Phú Thành, xã Phú Vang.

Một xã thuần nông

Phú Vang là xã thuộc tiểu vùng II của huyện Bình Đại, có 4 ấp, 1.382 hộ dân, với 4.012 nhân khẩu. Một xã khó khăn, nghèo nhất nhì của tỉnh. “Khoảng thời gian trước năm 2015, tỉnh và huyện Bình Đại đã có nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương trong phát triển kinh tế với mục tiêu “tập trung cho Phú Vang thoát nghèo”. Nhưng do điều kiện tự nhiên với nguồn nước mặn, lợ, đời sống chính của bà con chủ yếu nhờ vào vườn dừa kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ, sản xuất nông nghiệp manh mún, giá cả hàng nông sản thì bấp bênh” - Chủ tịch UBND xã Phú Vang Phạm Văn Thoàng cho biết.

Giai đoạn 2015 - 2020, Phú Vang được công nhận là xã bãi ngang. Thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, Phú Vang được sự hỗ trợ rất lớn để đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là giao thông nông thôn, dạy nghề, nguồn vốn tạo sinh kế… để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Số liệu cuối năm 2016, Phú Vang còn 254 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,2%, 67 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,59%.

 Ông Võ Minh Nhựt - cán bộ trẻ em, giảm nghèo và xã hội xã Phú Vang cho biết, bằng các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia như xã bãi ngang, vốn AMD, nông thôn mới, Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững, các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các chương trình hỗ trợ con giống từ các tổ chức, cá nhân, của các đoàn thể… giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở điều tra, bình nghị và khảo sát, địa phương đã đưa 56 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Hộ nghèo giảm gần 3%/năm

Theo ông Võ Minh Nhựt, trong 56 hộ nghèo, hộ cận nghèo được chọn tham gia Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Phú Vang tham gia từ năm 2017), với sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận và các đoàn thể, các hội, thực hiện phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo. Các mô hình hỗ trợ sản xuất, chủ yếu là mô hình chăn nuôi bò và dê, được người nghèo thực hiện theo nguyện vọng, ngoại trừ sự rủi ro, đa phần các mô hình đều mang lại hiệu quả và được nhân rộng. Như mô hình chăn nuôi bò và dê của chị Lê Thị Trúc Linh, ấp Phú Thành (được hỗ trợ từ năm 2018) từ 2 con dê ban đầu, chị đã gầy dựng đến nay có đàn dê hơn chục con. Ngoài ra, tranh thủ từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị còn bắt thêm con bò để chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập khá ổn định.

Phú Vang hiện không thuộc diện xã bãi ngang. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 99 hộ, chiếm tỷ lệ 7,16%, hộ cận nghèo còn 82 hộ, chiếm tỷ lệ 5,93%. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Thoàng cho biết: Thực hiện theo Nghị quyết của Đảng bộ xã và huyện Bình Đại nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phú Vang tập trung quyết liệt và đây là mặt công tác quan trọng của cả hệ thống chính trị là tiếp tục kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bởi trong tầm nhìn đến năm 2023, huyện sẽ tiến tới xây dựng thành công huyện nông thôn mới.

Bài, ảnh: Thành lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN