Tân Phú tạo sinh kế và giải quyết việc làm cho hộ nghèo

28/09/2018 - 07:13

Cơ sở may công nghiệp của chị Đỗ Thị Cẩm Phương.

Cơ sở may công nghiệp của chị Đỗ Thị Cẩm Phương.

Cán bộ phụ trách công tác trẻ em và giảm nghèo của xã Tân Phú, huyện Châu Thành Trần Thúy Phượng cho biết, năm 2018, toàn xã còn 209 hộ nghèo, chiếm 5,76%; hộ cận nghèo còn 211 hộ, chiếm 5,82%. Xã có 8 ấp với 3.624 hộ, 15.270 nhân khẩu, sinh hoạt ở 107 tổ nhân dân tự quản. Ấp Tân Nam là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 6,6%. Thực hiện theo Nghị quyết Đảng bộ xã, cuối năm 2018 sẽ kéo giảm 1% hộ nghèo (36 hộ).

Tạo sinh kế cho người nghèo

Đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo địa phương đã đưa ra 4 nội dung trọng tâm để các thành viên, các đoàn thể thực hiện: Thực hiện tốt hoạt động cải thiện sinh kế ở các lĩnh vực phù hợp với thực tiễn tại địa phương để giúp hộ nghèo như hỗ trợ vốn cho sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, chăn nuôi và trồng trọt; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội; nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của cán bộ giảm nghèo, các thành viên trong BCĐ về công tác giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết việc làm, phát huy nội lực, tiềm lực và thế mạnh của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Qua rà soát, phân loại hộ nghèo và tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo xã, hầu hết hộ nghèo của địa phương đều rơi vào các trường hợp như không đất sản xuất, có lao động nhưng không có việc làm ổn định, thiếu vốn, thiếu lao động, đông con... Để đạt mục tiêu giảm nghèo toàn diện, bền vững, hạn chế tái nghèo, tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, sau khi rà soát xong, BCĐ xã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, giao hẳn chỉ tiêu giảm nghèo cho từng ấp để cùng quan tâm giúp đỡ hộ nghèo. “Những năm qua, xã không chỉ thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách hỗ trợ dành cho hộ nghèo mà còn tranh thủ vận động, tìm nguồn vốn để hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên và sớm thoát nghèo” - chị Trần Thúy Phượng cho biết thêm.

Địa phương cũng đã xây dựng nhiều mô hình sinh kế có hiệu quả như mô hình nuôi dê, nuôi gà thả vườn. Riêng trong năm 2018, xã xây dựng mô hình nuôi heo rừng, thỏ rừng, trồng cây đinh lăng (mô hình khởi nghiệp của Bí thư Xã Đoàn Cao Thanh Hùng)... Hiện nay, các mô hình này đang phát triển khá tốt, có đầu ra cho sản phẩm và hứa hẹn tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo.

Tạo việc làm cho phụ nữ nghèo

Trong công tác giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa phương cũng đã xây dựng được mô hình may công nghiệp do chị Đỗ Thị Cẩm Phương, ngụ ấp Hàm Luông làm chủ. Theo chị Phương, mô hình được khởi xướng từ năm 2009, trong thời gian chị may gia công cho một công ty ở huyện Chợ Lách. Sau đó, chị nhận sản phẩm về nhà may, thấy vậy, nhiều chị em trong ấp đến tìm hiểu và xin được nhận hàng về gia công. Năm 2011, mô hình của chị Phương được Dự án IFAD tài trợ 10 máy may công nghiệp để chị vừa tổ chức may và dạy nghề cho các chị em trong ấp. Đến nay, cơ sở của chị Phương đã được mở rộng, nhiều chị em tích lũy vốn và mua máy, nhận hàng về may tại nhà.

Chị Phương cho biết: Lúc đầu tôi còn nhận hàng qua công ty ở Chợ Lách nên thu nhập của chị em còn thấp. Hiện nay, tôi đã liên hệ nhận hàng trực tiếp từ công ty ở TP. Hồ Chí Minh nên thu nhập của chị em đã nâng lên. Nếu chị em nào may giỏi thì bình quân mỗi ngày cũng kiếm được từ 120 - 150 ngàn đồng. Đây là công việc giải quyết lao động nhàn rỗi, chị em có thể nhận hàng về nhà may. Cũng theo chị Phương, hiện tại cơ sở của chị đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hơn 60 chị em trong ấp và những ấp lân cận, đa phần đều là hộ nghèo.

 “Chị Phương trước đây là hộ nghèo, căn nhà chị đang ở được cất nhờ chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, khi hai vợ chồng chị cưới nhau, ra riêng chỉ vỏn vẹn có 1 công đất. Hiện nay, nhờ nghề may, gia đình chị khá lên, tích lũy mua thêm 1,5 công đất vườn. Cơ sở của chị hiện là địa chỉ để nhiều chị em tìm đến. Thời gian tới, nếu có nguồn hỗ trợ thì chị Phương sẵn sàng mở rộng cơ sở để giúp được nhiều chị em nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã có việc làm ổn định” - chị Trần Thúy Phượng cho biết.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN