Thầy thuốc tình nguyện

15/09/2009 - 13:05
Bác sĩ Mỹ Nhơn (bên phải) và điều dưỡng Lê Văn Lượm Em (giữa) đang thăm và khám bệnh cho người dân. Ảnh: C.Trúc

"Khám bệnh là phục vụ hết lòng chứ không phải là từ thiện”. Đó là tinh thần làm việc của câu lạc bộ thầy thuốc trẻ mỗi khi về khám bệnh cho bà con nghèo trên khắp vùng quê. Có rất nhiều bác sĩ (Mỹ Nhơn, Hồng Phúc, Ngọc Sương…) đã ngoài tuổi Đoàn vẫn luôn sát cánh cùng Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ của Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu để khám bệnh miễn phí trên từng cây số.

Còn nhớ chuyến về xã An Thạnh (Thạnh Phú), ngày 25-7-2009. Do phải “cuốc” bộ vác thuốc từ bến đò ngang đến trạm y tế xã nên khi đến nơi, các thầy thuốc áo xanh mới hay đã để khoảng 300 bệnh nhân phải đợi suốt một giờ. Các bác sĩ lập tức khoác thêm chiếc áo blouse trắng bên ngoài để bắt tay ngay vào khám bệnh. Đáp lại những giọt mồ hôi toát ra thấm ướt lưng áo là những cái nhìn yêu thương và trìu mến của người bệnh. Bác sĩ Trần Thị Hạnh còn nhớ lần ấy được khám bệnh cho một cụ bà rất hiền mà Hạnh thích gọi là ngoại. Trong lúc khám, ngoại kể cho Hạnh nghe nhiều chuyện về chồng và các con của ngoại đã anh dũng trong chiến đấu. Ngoại kể mà lòng đầy ắp tự hào. Tiễn ngoại ra về, Hạnh lưu luyến: “Ngoại khỏe nha!”. “Ngoại biết ơn tụi con. Có rỗi, về ngang đây nhớ ghé nhà ngoại chơi. Nhà ngoại ở…”, bà cụ nói. Không riêng Hạnh, trăn trở của các thầy thuốc là thời gian để có thể trở lại nơi đã đến lần thứ hai. Mãi gần 12 giờ trưa nhưng thái độ phục vụ của các thầy thuốc vẫn ân cần. Hạnh kể: “Đó là chuyện bình thường. Lần khám bệnh ở Giồng Dầu (Tân Bình, Mỏ Cày Bắc), đoàn khám suốt từ 8 giờ sáng đến 4 giờ rưỡi chiều vì bệnh nhân đến quá đông. Cuối buổi, bệnh nhân chụp hình lưu niệm cùng bác sĩ. Chúng tôi được tiễn chân ra về cũng là lúc bầu trời quê chập choạng tối”.
Bác sĩ Trần Thị Hạnh - nói: “Đoàn về khám bệnh cho bà con bằng thái độ phục vụ. Mọi nghĩa cử, lời nói đều phải xuất phát từ thực chất của tình yêu thương và lòng độ lượng. Đích đến là để góp phần nào xoa dịu và bù đắp nỗi đau thương cho các cô, các chú- người đã lăn xả thân mình vì sự nghiệp của đất nước hôm nay. Vì lẽ đó, nhiều gương thầy thuốc đã mạnh dạn trích thu nhập của mình để tạo quỹ kinh phí, duy trì hoạt động. Đồng thời, vận động các nguồn tài trợ gần xa cùng hỗ trợ dược phẩm cấp phát cho bệnh nhân. Còn nhiều cách thức tình nguyện, như điều dưỡng Lê Văn Lượm Em luôn sẵn sàng hiến máu cho những trường hợp bệnh ngặt nghèo”.
Ít nhất có một câu chuyện sau chuyến đi đã trở thành bài học rút kinh nghiệm hoặc cũng là kỷ niệm đẹp có tác động nhắc nhở các thầy thuốc phải trải lòng để yêu thương và san sẻ nhiều hơn. Riêng bác sĩ Mỹ Nhơn rất chú ý ghi nhận và nghiên cứu bệnh của bà con từng khu vực. Từ đó, khoanh vùng nơi có nhiều phụ nữ bệnh phụ khoa, vùng có nhiều người bệnh cao huyết áp… Bác sĩ kể: “Lần đi Thạnh Phước (Bình Đại) và An Thạnh (Thạnh Phú), phát hiện số cas cao huyết áp nhiều. Đoàn đã nhắc nhở trạm y tế địa phương tăng cường loại thuốc này và lưu tâm hơn đến người bệnh để theo dõi và quản lý hiện trạng bệnh”.
Thực chất mỗi chuyến tình nguyện của đoàn là “vì sức khỏe cộng đồng”. Tháng 6-2009, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ của tỉnh được Hội Thầy thuốc trẻ Trung ương tặng bằng khen với thành tích xuất sắc. Tâm huyết cao hơn, đội ngũ thầy thuốc áo xanh đang ấp ủ chương trình tầm soát bệnh tiểu đường, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ nông thôn trong độ tuổi sinh đẻ, siêu âm, điện tim, đo đường huyết…

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích