Tiếp tục đối thoại tìm giải pháp hỗ trợ người nghèo

16/05/2018 - 06:52

BDK - Trong năm 2017, với nguồn vốn của Dự án AMD Bến Tre phân cấp về cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện 9 cuộc họp mặt, đối thoại với người nghèo tại 8 huyện của tỉnh. Kết quả có trên 1.500 đại biểu người nghèo tham dự; các thắc mắc, ý kiến tập trung vào chính sách hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội về vay bổ sung để phát triển sản xuất, chế độ ưu đãi và các thông tin về tham gia xuất khẩu lao động…

Đối thoại với người nghèo tại xã Tân Phú (Châu Thành).

Đối thoại với người nghèo tại xã Tân Phú (Châu Thành).

Giảm 2,15% hộ nghèo

Qua ý kiến của các hộ gia đình, Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện đã giải đáp cụ thể cho từng trường hợp, tạo phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân và giúp cho người dân hiểu rõ hơn về chính sách giảm nghèo nói chung và chính sách đối với hộ tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững (Đề án sinh kế) nói riêng. Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2017 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 là 7,89%, giảm 2,15% so với đầu năm (10,04%).

Với mục tiêu giúp người nghèo chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề đạt những nguyện vọng để thoát nghèo bền vững, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Dự án AMD, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp mặt, đối thoại với người nghèo tại 19 xã điểm và 30 xã dự án lần thứ nhất. Tại các cuộc họp mặt, lãnh đạo các cấp đối thoại trực tiếp với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và cán bộ làm công tác giảm nghèo. Qua đó, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của người nghèo và định hướng, trao đổi với ban chỉ đạo cấp xã về các giải pháp thực hiện Đề án sinh kế. Nội dung chính của các cuộc họp mặt là nắm bắt nhu cầu và tư vấn, hỗ trợ người nghèo trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động…

Tuy nhiên, qua ý kiến của các hộ nghèo, cận nghèo cho thấy, Đề án sinh kế còn một số khó khăn nhất định. Việc chọn hộ nghèo, cận nghèo tham gia họp mặt, đối thoại của một số địa phương chưa phù hợp như ở Châu Thành, Bình Đại. Hộ tham gia cũng như các địa phương chưa có giải pháp, ý tưởng, cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng hộ. Do đa số cán bộ cơ sở chưa nắm rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của đề án sinh kế nên việc tư vấn, tham vấn của cán bộ cơ sở còn hạn chế, chưa định hướng, giải pháp hiệu quả để hỗ trợ hộ tham gia đề án. Hộ vay vốn còn sử dụng sai mục đích hoặc mất vốn. Một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa mạnh dạn cho con, cháu tham gia xuất khẩu lao động.

Phải có quyết tâm thoát nghèo

Năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức họp mặt, đối thoại với người nghèo, cận nghèo tại 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế và 30 xã thuộc Dự AMD Bến Tre. Dự kiến sẽ tổ chức 3 lần họp mặt, trong đó, tập trung trao đổi về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế của hộ nghèo, cận nghèo, công tác kết nối các nguồn lực và hỗ trợ của ban chỉ đạo cấp xã.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Thị Thanh Lam, các hộ không đúng đối tượng, không có kế hoạch làm ăn phát triển kinh tế để thoát nghèo thì điều chỉnh, bổ sung những hộ có nhu cầu, điều kiện tham gia vào đề án. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người nghèo để thay đổi cách nghĩ, cách làm, quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Kết nối các nguồn lực từ các hội, đoàn thể, các chương trình, dự án khác để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Tăng cường công tác quản lý, theo dõi, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, phối hợp và tăng cường vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong tuyên truyền nâng cao nhận thức để không còn hộ nghèo. Các huyện, thành phố chọn lọc danh sách hộ nghèo, cận nghèo tham gia đề án theo hội, đoàn thể quản lý để thường xuyên tư vấn, đôn đốc, hỗ trợ đối với từng hộ.

Bài, ảnh: Tiến Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN