Cầu nối muôn vạn tấm lòng nhân ái

29/09/2010 - 08:29
Các nạn nhân chất độc da cam rất cần những tấm lòng nhân ái giúp đỡ. Ảnh: A.NG

Dù chiến tranh đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ, nhưng hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin vẫn còn hoành hành, giằng xé nhiều mảnh đời. Tỉnh Bến Tre có hơn 13 ngàn người bị nhiễm chất độc hóa học, hàng trăm gia đình có cùng lúc nhiều người bị nhiễm, đặc biệt, trong đó có gần 3 ngàn nạn nhân là trẻ em. Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre ra đời là nhịp cầu để kết nối những tấm lòng nhân ái đến với những mảnh đời bất hạnh vì nhiễm chất độc màu da cam.

Xoa dịu vết thương chiến tranh
“…Chất độc màu da cam năm xưa đã giết chết mẹ tôi trong một trận càn, để lại cho tôi đứa em cút côi… Chất độc màu da cam đã tàn phá em tôi, đã ăn vào cơ thể em tôi…” Đó là những lời hát được viết nên từ thực tế những nỗi đau mà ngôn ngữ đôi khi bất lực để miêu tả hết. Cuộc chiến tranh tàn khốc đã lùi dần vào quá khứ, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn hiện hữu trên thân xác những con người của thời hiện tại. Vô tri, vô giác, dị dạng, dị hình, đau đớn triền miên vì bệnh tật hiểm nghèo, gia đình khánh kiệt… Thế giới của những con người bất hạnh ấy gần như chỉ là như thế, vỏn vẹn là nước mắt và nỗi đau…
Những nạn nhân dioxin Bến Tre đã không còn cô đơn khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bến Tre (viết tắt là Hội) ra đời vào tháng 10 năm 2006, đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh về vật chất lẫn tinh thần. Chủ tịch Hội Lê Thị Thanh Vân chia sẻ: “Sự chăm lo giúp đỡ nạn nhân trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, mức sống của đại bộ phận gia đình nạn nhân còn rất thấp, ngày càng có nhiều nạn nhân mắc các chứng bệnh hiểm nghèo, di truyền sang đời con, đời cháu, những gia đình có nhiều người con bị nhiễm phần đông rơi vào hoàn cảnh khó khăn kiệt quệ. Từ thực tế trên, Đảng và Nhà nước đã cho phép Quỹ Nạn nhân chất độc da cam ra đời nhằm góp phần vào việc huy động nguồn lực xã hội, cùng với Đảng và Nhà nước chăm lo giúp đỡ nạn nhân giảm bớt khó khăn, vươn lên sống hòa nhập cộng đồng”.
Đồng cảm với các gia đình nạn nhân da cam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Bảo đã bày tỏ: “Ngày Vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin 10-8-2010, tôi đã đi thăm các gia đình nạn nhân tại các huyện: Châu Thành, Mỏ Cày, Chợ Lách… trực tiếp nhìn thấy cảnh sống của họ, thật đau lòng. Đằng đẵng mấy mươi năm, các cháu ăn, nằm một chỗ, vô tri, vô giác, cha mẹ khổ cực không biết bao nhiêu. Hầu hết gia đình nạn nhân vì phải chăm sóc, nuôi dưỡng, thuốc men điều trị bệnh, dẫn đến khánh kiệt. Vì lý do trên, UBND tỉnh cho phép Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre thành lập Quỹ Nạn nhân chất độc da cam với mục đích chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng, xây nhà tình thương, hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tạo việc làm”
Hạnh phúc đến từ lòng nhân ái
Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Bảo kêu gọi các tổ chức doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, tổ chức nhân đạo xã hội, nhà hảo tâm trong ngoài tỉnh, mở rộng tấm lòng hỗ trợ Quỹ nạn nhân chất độc da cam, các nạn nhân chất độc da cam, nhằm góp phần bù đắp những mất mát, thiệt thòi của họ, đem đến cho họ niềm vui, niềm hy vọng trong cuộc sống đời thường, vượt qua khó khăn tạo dựng cho gia đình có cuộc sống ổn định.
Để thực hiện nhiệm vụ làm “cầu nối” theo đúng ý nghĩa và đạt hiệu quả, Hội đã đề ra chương trình hành động của Quỹ nạn nhân chất độc da cam từ nay đến năm 2013. Trong đó, xây dựng, phát triển nhà nuôi dưỡng bán trú cho 20-30 trẻ em nghèo, mồ côi, nhiễm chất độc hóa học; kết hợp chương trình dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho 50-100 em, giúp các em là nạn nhân da cam có một nghề tự mưu sinh, nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Quỹ sẽ vận động xây dựng 100 căn nhà tình thương, giúp đỡ cho những hộ nạn nhân chất độc da cam nghèo đang khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vốn khoảng 1 ngàn lượt hộ nạn nhân nghèo để mua bán nhỏ, chăn nuôi tạo thu nhập, cải thiện đời sống gia đình; hỗ trợ 2 ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo là nạn nhân chất độc da cam. Quỹ sẽ triển khai rộng rãi các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam, để trở thành việc làm thường xuyên của toàn xã hội như: thăm viếng, tặng quà, cứu trợ, khám chữa bệnh, hỗ trợ xe lăn…
Nhiều người đã từng nói: “Hạnh phúc là cho đi”, bởi chính lúc ấy, niềm vui sẽ được nhân lên từ cả hai phía, người được nhận và người trao. Tấm lòng nhân ái hướng đến nạn nhân chất độc da cam luôn luôn đáng quý và đáng trân trọng - sẻ chia để cuộc sống có thêm nhiều điều tốt đẹp và ý nghĩa.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN