Đông y - từ thiện và nhân thiện

15/03/2013 - 14:59

Bến Tre hiện có 1.417 hội viên Hội Đông y; 154/164 xã, phường, thị trấn có tổ chức chi hội, hội Đông y cơ sở; 126 phòng chẩn trị tư nhân, 49 đại lý đông dược, 65 cơ sở dịch vụ y học cổ truyền, 89 cơ sở khám chữa bệnh từ thiện, 28 tổ cấp cứu rắn cắn…

Những số liệu như minh chứng ngành Đông y của tỉnh hoạt động khá mạnh và đều khắp. Bác sĩ Đỗ Hữu Chí - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, tất cả các hội viên đều có trồng dược liệu tại gia đình, tỷ lệ hộ dân trồng và sử dụng thuốc Nam (cây thuốc gia đình) chiếm 50%.

Theo thống kê của Hội Đông y tỉnh, trong năm 2012 có trên 3,7 triệu lượt người đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở đông y, với gần 9,7 triệu thang thuốc và các loại cao đơn hoàn tán được cấp phát. Sự phát triển của các cơ sở khám, chữa bệnh Đông y, cùng với sự tìm đến ngày càng nhiều của người bệnh thì nâng cao chất lượng điều trị là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Bác sĩ Đỗ Hữu Chí cho biết, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Hội Đông y tỉnh luôn tạo điều kiện để các hội viên tham dự các lớp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Chỉ tính riêng năm 2012, Trung tâm Thừa kế và ứng dụng Đông y (trực thuộc Hội Đông y tỉnh) mở 3 lớp bồi dưỡng chuyên môn về Đông dược và lương y chuyên sâu. Ngoài ra, một số tổ chức hội cơ sở đã kế thừa một số bài thuốc tâm đắc trong điều trị, cũng như dịch một số sách thuốc từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ để phổ biến trong hội viên. Giới thiệu bản tin Đông y do Hội Đông y tỉnh xuất bản, Chủ tịch Hội Đỗ Hữu Chí nói những bài thuốc, loại cây thuốc, đặc biệt là những kinh nghiệm của các bậc lương y tiền bối được ghi lại và lưu truyền trong cả hệ thống Hội. Toa căn bản của Đông y do Ban Quân dân y Nam Bộ phổ cập trong suốt 60 năm qua, hay kinh nghiệm trị bệnh giời leo (zona) bằng Đông y của bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Hữu Định (nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược dân tộc TP. Hồ Chí Minh, là người con của Bến Tre) là những thí dụ…

Cùng với nâng chất tay nghề thì dược liệu là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng điều trị. Hiện nay, các huyện và thành Hội Đông y đều có xây dựng vườn dược liệu. Gọi là vườn, song diện tích thực tế còn phụ thuộc ở mỗi địa phương. Có nơi dành hẳn một khoảnh vườn riêng, nhưng cũng có nơi cây trồng trong chậu, vừa làm cảnh vừa làm thuốc. Còn các chi hội, hội đông y cấp xã đều có vườn thuốc Nam mẫu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Một số tổ chức hội đông y ở Giồng Trôm, Ba Tri có phong trào trồng cây thuốc nam phát triển khá mạnh. Ông Nguyễn Tấn Phát (xã Tân Hào - Giồng Trôm) trồng cây thuốc Nam khắp vườn nhà mình, mà theo ông trồng cây thuốc Nam vừa tạo ra nguồn thuốc chữa bệnh cứu người, vừa tăng thêm thu nhập.

Với người làm lĩnh vực Đông y thì hoạt động từ thiện dường như trở thành điều không thể thiếu. 89 cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện là con số không hề nhỏ, thậm chí còn nhiều hơn số cơ sở dịch vụ y học cổ truyền (65 cơ sở). Trong năm qua, có trên 2 triệu lượt bệnh nhân được khám, chữa bệnh miễn phí và trên 5,6 triệu thang thuốc đã được trao tặng cùng các hỗ trợ khác cho người bệnh với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng. Bác sĩ Đỗ Hữu Chí cho biết, ngoài khám, chữa bệnh miễn phí, các cấp Hội còn có nhiều hoạt động từ thiện khác như: đóng góp cấp dưỡng thường xuyên cho các gia đình neo đơn, ủng hộ xây nhà tình thương, xây dựng giao thông nông thôn, tặng tập vở cho học sinh nghèo, bếp ăn từ thiện, về nguồn khám chữa bệnh, mua đất làm thổ mộ cho người nghèo qua đời không nơi chôn cất, xây giếng nước cho hộ nghèo… Tổng số tiền khám chữa bệnh miễn phí và công tác từ thiện khác mà các cấp Hội Đông y thực hiện đạt gần 30 tỷ đồng trong năm qua.

Có nhiều chương trình, kế hoạch được Hội Đông y tỉnh hoạch định trong năm nay. Những người làm công tác trong lĩnh vực Đông y cũng còn không ít khó khăn, nhưng với tâm huyết, niềm tin, những lương y và cả những người làm công việc như lương y vẫn mãi như tinh thần của danh y Hải Thượng Lãn Ông: “Tận tụy phục vụ bệnh nhân, quên mình vì bệnh nhân”.

PHƯƠNG YẾN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích