Giải pháp thoát nghèo bền vững

29/11/2017 - 13:56

Vợ chồng anh Phạm Văn Út trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây dựng.

Châu Hòa (Giồng Trôm) đang trên đường xây dựng xã nông thôn mới, tính đến nay, đã cơ bản đạt 11 tiêu chí. Một trong những tiêu chí địa phương thực hiện đạt và vượt trong năm 2017 là kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng việc vận động đưa con em tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) với 16 trường hợp.

Hộ anh Phạm Văn Út ở Tổ nhân dân tự quản số 10, ấp Thới Thuận vừa thoát nghèo trong năm 2017. Anh Út lập gia đình từ năm 1991, với một công đất vườn dừa cha mẹ cho, gia đình lại có đến 4 nhân khẩu, vợ chồng anh phải bươn chải đủ nghề mới lo được cho hai con ăn học. Năm 2014, đứa con gái đầu lòng của anh chị là cháu Phạm Thị Thùy Dương, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng kế toán (Trường Đại học Lao động - Thương binh và Xã hội, TP. Hồ Chí Minh) thì đăng ký tham gia XKLĐ ở Nhật. Đầu năm 2017, con anh trở về nước với hơn 700 triệu đồng tích lũy được sau 3 năm lao động ở nước ngoài.

Từ số tiền trên, anh trả các khoản vay vốn, nợ nần đã mượn lo cho con đi XKLĐ, số còn lại anh mua thêm đất, đến nay, gia đình anh có tất cả 4 công đất trồng dừa, ngoài ra, anh còn xây dựng được một căn nhà khá khang trang. “Thật tình, lúc đầu nghe nói đi XKLĐ sang Nhật, vợ chồng tôi rất ái ngại bởi Dương là con gái đầu lòng, chúng tôi thật không nỡ xa cháu. Tuy nhiên, con gái quyết chí đi, chúng tôi nén lòng, không biết làm gì hơn là động viên con cố gắng” - anh Út kể. Đến nay, gia đình anh Út đã thật sự an tâm về việc tham gia XKLĐ. Trong năm 2017, đứa con trai út của anh cũng đã đăng ký đi hợp tác lao động tại Nhật.

Anh Trương Thanh Hùng - cán bộ giảm nghèo xã cho biết, việc tham gia đi XKLĐ trên địa bàn xã đã có từ lâu và ngày càng tăng dần về số lượng, từ năm 2014 đến nay tăng từ 7 - 8 trường hợp/năm. Trong đó, năm 2017 là đông nhất với 16 trường hợp (đến tháng 2-2018 có thêm 6 trường hợp), chủ yếu là con em hộ nghèo, cận nghèo. Đây là một tín hiệu tốt cho địa phương, bởi chỉ có giải pháp này mới giúp hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. “Với góc độ chuyên môn tại địa phương, tôi cũng tham mưu và đề xuất với lãnh đạo địa phương nên tổ chức thường xuyên các cuộc tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp với người nghèo bằng việc lấy gương thoát nghèo của hộ nghèo để giáo dục chính hộ nghèo khác” - anh Hùng cho biết thêm.

Bà Hà Thị Tiền - Phó chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã cho biết, từ kết quả điều tra, rà soát, bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2016, đầu năm 2017, địa phương đã tổ chức họp mặt và đối thoại với người nghèo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sàng lọc các đối tượng để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả nhất. Khi xây dựng Đề án sinh kế giai đoạn 2016 - 2020, có 32 hộ tham gia, hiện nay xã đã sơ kết xong nhưng theo chỉ đạo của UBND huyện, địa phương phải xây dựng lại vì chưa phù hợp.

Thực tế, trên địa bàn xã, số lao động đăng ký tham gia XKLĐ ngày càng đông, trong đó, lao động là con em hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ tương đối cao. Huyện cũng có đề xuất hướng hỗ trợ đối tượng này tham gia XKLĐ, bởi đây là giải pháp thoát nghèo rất hữu hiệu và mang tính bền vững. Hiện đang đề xuất tăng vốn vay bởi Ngân hàng Chính sách xã hội hiện chỉ cho vay tối đa 50 triệu đồng/lao động là quá ít so với chi phí hơn 100 triệu đồng/lao động.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN