Giải pháp thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trước mắt và lâu dài

20/05/2012 - 16:09

Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) chính là thực hiện các mục tiêu: nâng cao sức khỏe bà mẹ, giảm tỷ số chết ở người mẹ dưới 10/100.000 trẻ em ra đời sống vào năm 2015, cải thiện SKSS của vị thành niên và thanh niên, giảm tỷ lệ có thai ở độ tuổi này là 20% vào năm 2015 và giảm 50% vào năm 2020, nâng cao hệ thống thông tin quản lý dân số (DS), đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình DS-SKSS; nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em; cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; đáp ứng đầy đủ nhu cầu kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của nhân dân, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ; kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản…

Tiêm phòng cho trẻ em dưới 6 tuổi theo định kỳ, tại Trạm Y tế xã Mỹ Hòa
(Ba Tri). Ảnh: T.Long

 

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, kinh nghiệm thực tế của các địa phương trong thời gian qua trước hết phải kể đến sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; đã lồng ghép nội dung DS-KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong tổ chức thực hiện có sự kết hợp, phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đây cũng chính là yếu tố tiên quyết quyết định thành công của công tác DS-KHHGĐ thời gian qua, cho hiện tại và cả sau này. Kế đến là tiếp tục kiện toàn bộ máy hoạt động DS-SKSS từ tỉnh đến cơ sở. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên DS, y tế ấp, nhân viên sức khỏe cộng đồng trong việc tuyên truyền, vận động, quản lý đối tượng và cung cấp các dịch vụ thích hợp…

Trong công tác thông tin, giáo dục chuyển đổi hành vi, tiếp tục thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin, phổ biến thông tin về DS-SKSS phối hợp với tăng cường các hoạt động tiếp xúc, trao đổi, tọa đàm…, nhằm truyền tải thông tin chính thống, đa chiều về các chủ trương, chính sách DS-SKSS, vận động, giáo dục cộng đồng hiểu đúng và tích cực tham gia thực hiện. Tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình truyền thông, trong đó chú trọng cải tiến nội dung sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng cụ thể… xoay quanh các vấn đề về nâng cao chất lượng DS-SKSS, KHHGĐ, bình đẳng giữa con gái - con trai, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, phòng và điều trị nhiễm khuẩn đường sinh sản. Nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng các hoạt động tư vấn theo nhóm, tư vấn trước và sau sinh…

Đối với dịch vụ DS và SKSS, tăng cường và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ DS-SKSS, đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ DS-SKSS thiết yếu gồm: làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh, KHHGĐ, dự phòng nạo phá thai và quản lý biến chứng/bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; CSSKSS vị thành niên, người cao tuổi, vô sinh… Xây dựng và áp dụng các mô hình, phương thức cung cấp dịch vụ riêng biệt nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về dịch vụ DS và SKSS cho các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và khu vực khó tiếp cận. Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống y tế tư nhân trong việc phối hợp, hỗ trợ các hoạt động về DS, CSSKSS. Thực hiện qui trình kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các qui định chuyên môn, qui trình kỹ thuật các dịch vụ DS-SKSS tại tất cả các tuyến, các cơ sở cung cấp dịch vụ, kể cả y tế tư nhân, trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn cho khách hàng trước, trong và sau khi thực hiện dịch vụ DS-SKSS. Thực hiện bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành cho nhân viên cung cấp dịch vụ DS-SKSS theo phân cấp và phân tuyến kỹ thuật song song với đào tạo, cập nhật kiến thức. Chú trọng kỹ năng tư vấn và giáo dục sức khỏe cho cộng đồng… Cải tiến phương thức cung cấp dịch vụ theo hướng thân thiện, lấy khách hàng làm trung tâm…

Thực hiện tốt các giải pháp trên, phấn đấu đến năm 2015 có trên 98% bà mẹ mang thai được quản lý thai. Hàng năm, tai biến sản khoa giảm ít nhất 5% so với cùng kỳ, trên 80% bà mẹ được chăm sóc sau sinh. Thực hiện tốt truyền thông chuyển đổi hành vi, phối hợp tổ chức Đoàn xây dựng câu lạc bộ lồng ghép DS-SKSS trong trường trung học phổ thông và trên địa bàn các xã. Phấn đấu thực hiện tư vấn SKSS, tiền hôn nhân cho trên 90% đối tượng chuẩn bị kết hôn… Ở các địa phương trong vùng dự án, có trên 90% phụ nữ có thai và trên 60% nam giới được tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh; trên 60% phụ nữ mang thai có yếu tố nguy cơ cao tham gia sàng lọc trước sinh; trên 90% trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi về cân nặng dưới 14%, về chiều cao dưới 24,5%. Kiểm soát được tốc độ gia tăng tỷ số giới tính, tập trung vào các huyện, xã mất cân bằng về giới tính khi sinh, phấn đấu tỷ số giới tính khi sinh không quá 108 nam/100 nữ. Đảm bảo hệ thống thông tin 2 chiều chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng hệ cơ sở dữ liệu dân cư. Đối với nguồn nhân lực phục vụ cho công tác DS, đảm bảo có trên 70% cán bộ đạt chuẩn về chuyên môn và nghiệp vụ quản lý, 100% trạm y tế có y sĩ sản nhi và nữ hộ sinh, 95% cán bộ quản lý chương trình và cung cấp dịch vụ có thái độ ứng xử tốt với khách hàng.

Lê Thanh An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN