Kịch tương tác - mô hình hay trong tuyên truyền sức khỏe sinh sản

21/10/2011 - 07:58

Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) trong lứa tuổi thanh, thiếu niên đang là vấn đề cấp thiết của toàn xã hội. Bởi đây là giai đoạn biến đổi tâm sinh lý, “giao thời” giữa  “con nít” và “người lớn”. Với tính tò mò, lôi cuốn giới tính đã biến các em trai em gái dễ có những rung động đầu đời, ngộ nhận không hay về tình cảm khác giới. Nếu không kịp thời cung cấp kiến thức, định hướng tình cảm cho các em thì hậu quả sẽ khó lường.

Ý thức được điều này, thời gian qua, Bến Tre đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục SKSS, mà nhiều người hay nói vui là “làm công tác xóa mù giới tính” cho đối tượng thanh, thiếu niên. Trong đó, mô hình kịch tương tác về chăm sóc SKSS, giới tính là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả cao. Hội thi Tuyên truyền về SKSS trong khuôn khổ dự án VNM7PG0007 do Tỉnh Đoàn tổ chức ngày 30-9-2011 là một bằng chứng cụ thể.

 

Các thí sinh đoạt giải.

 

76 thí sinh trải qua 2 phần thi: kiến thức SKSS và diễn kịch tương tác xoay quanh các nội dung về kỹ năng sống cho vị thành niên/thanh niên, quan hệ tình dục trước hôn nhân, các biện pháp tránh thai an toàn, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình… Vở “Chỉ một lần thôi” của đội huyện Mỏ Cày Bắc, nói đến việc người bạn trai thường xuyên tìm nhiều lời lẽ để thuyết phục người bạn gái cho quan hệ tình dục trước hôn nhân. Vở kịch ngưng ngay ở đoạn cao trào: người bạn gái lúng túng khi nghe bạn trai nói sẽ chia tay nếu không chấp nhận “cho”. Hàng loạt “kế hay” đã được khán giả “hiến” cho nhân vật nữ xử lý tình huống: giải thích sự cần thiết phải giữ gìn cho nhau, nói là “đợi em đi mua bao cao su”. Đặc biệt, một bạn nữ khán giả tham gia hóa thân thành nhân vật nữ với cách “hù” bạn trai là mình đang tới “tháng”. Hay vở “Một phút xao lòng” đội Mỏ Cày Nam phản ánh ở những vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, ảnh hưởng của trang web “đen”, nhiều bạn nam lợi dụng sự mất cảnh giác của người lớn, có hành vi dụ dỗ, cưỡng ép người bạn nữ quan hệ tình dục. Để ứng phó tình huống này, một nữ khán giả đã xung phong diễn cảnh ra thế đòn để trừng trị người bạn trai xấu nết.

Với lối diễn xuất chân thật, tự nhiên, các thí sinh đã chuyển tải xuất sắc thông điệp: hãy tỉnh táo, tự bảo vệ dù là nam hay nữ trước những cám dỗ về giới tính. Hội thi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe và SKSS đã nhận được sự cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo khán giả. 

Bà Nguyễn Thị Ly - Phó Ban Thiếu nhi trường học của Tỉnh Đoàn cho biết, Bến Tre là một trong những địa phương được Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) hỗ trợ mô hình chăm sóc SKSS bằng kịch tương tác. Hiện, Tỉnh Đoàn và các Huyện Đoàn đều có thành lập đội, nhóm kịch tương tác, hoạt động thường xuyên, nội dung đa dạng. Tỉnh Đoàn vừa tổ chức lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho thành viên đội, nhóm kịch. Nhằm nhân rộng hiệu quả của mô hình kịch tương tác, thời gian tới, mỗi đơn vị cấp xã sẽ thành lập nhóm kịch tương tác, với nhiệm vụ góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Nói về kịch tương tác, bạn Đinh Thị Kim Cương - Cán bộ Huyện Đoàn Chợ Lách lý giải, kéo dài khoảng 40 phút, mỗi vở kịch là một tình huống có thật, người diễn đưa khán giả vào câu chuyện, sau đó khán giả và diễn viên cùng tìm cách tháo nút câu chuyện. Xen kẽ lời thoại là những cảnh báo, kiến thức về chăm sóc SKSS. Với chủ đề: tình yêu - tình bạn, những biến đổi khác thường về cơ thể, đến những chủ đề “nóng bỏng” như có thai ngoài ý muốn - bạn nên làm gì, biện pháp phòng tránh thai, các biện pháp tình dục an toàn..., người xem sẽ hóa thân thành nhân vật, tự tìm cách giải quyết cho vở kịch cũng như cho chính mình. Sự tham gia của khán giả cùng đội kịch là điểm mạnh của kịch tương tác, vừa thu hút thanh, thiếu niên chú ý vào câu chuyện, vừa tạo nên sự gần gũi, thân thiết và tin tưởng.

Kết quả, Ban Giám khảo đã trao giải nhất cho Thành Đoàn Bến Tre với vở “Lừa gạt”; hai giải nhì cho Huyện Đoàn Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc; ba giải ba cho Huyện Đoàn Bình Đại, Giồng Trôm, Châu Thành.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN