Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bài cuối: Thay đổi thói quen sống

22/03/2019 - 07:27

BDK - Trước những tác hại và nguy cơ của rác thải nhựa gây ra cho môi trường sống, nước ta đã có những hoạt động ký kết với quốc tế để giảm thiểu rác thải nhựa. Tại nhiều cuộc họp quan trọng của tỉnh, lãnh đạo tỉnh cũng đã có đề cập đến vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa trong môi trường sống. Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã từng trăn trở trong các cuộc họp với các cấp sở, ngành, địa phương: “Làm sao để người dân mình bớt dùng túi nylon”. Thay đổi thói quen trong sinh hoạt chính là giải pháp căn cơ nhất để chống lại sự bùng phát của rác thải nhựa.

Nhiều điểm du lịch ở Cồn Sơn (Cần Thơ) trang bị 2 sọt rác phục vụ việc phân loại rác tại chỗ của du khách. Ảnh: P. Hân

Nhiều điểm du lịch ở Cồn Sơn (Cần Thơ) trang bị 2 sọt rác phục vụ việc phân loại rác tại chỗ của du khách. Ảnh: P. Hân

Nói không với rác thải nhựa

Túi nylon, các vật dụng dùng một lần như ly nhựa, hộp xốp đựng thức ăn, ống hút chiếm phần lớn lượng rác nhựa thải ra môi trường. Nhất là để phục vụ khách hàng nhanh chóng, tiện lợi, hầu như các hàng quán ăn uống đều sử dụng ly nhựa, túi nhựa, hộp xốp để đựng thức ăn. Thử nhẩm tính lại số lượng nylon sử dụng một ngày của một thanh niên, ta có thể thấy mức độ lan tràn của nylon trong cuộc sống: Sáng ăn sáng bằng xôi đựng trong hộp xốp, uống cà phê trong ly nhựa (kèm theo 1 ống hút nhựa và 1 túi nylon đựng ly nước), ăn trái cây giữa giờ được đựng trong túi nylon, trưa về đi chợ mua thịt, cá, trứng, rau… với ít nhất là 5 - 6 túi nylon riêng biệt, chiều về mua các đồ dùng trong nhà từ cái khăn, bột giặt đến chai dầu gió, cục pin… tất cả đều được đựng bằng túi nylon đủ kích cỡ.

Hiện nay, để giảm thiểu rác thải nhựa, ngành môi trường và các đoàn thể đã phát động nhiều hoạt động cụ thể. Nổi bật là hội phụ nữ các cấp với phong trào “Xách giỏ đi chợ”, phát động chị em hội viên phụ nữ nên mang giỏ đi chợ để bớt dùng túi nylon. Phong trào phát triển rộng, duy trì thường xuyên, gắn với thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, được sự quan tâm của hội viên, nhất là ở các chi hội các ấp vùng nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỏ Cày Nam cho biết, tại các cuộc họp mặt, sinh hoạt hội phụ nữ, các hội phụ nữ xã, chi hội phụ nữ ấp trên địa bàn huyện đều phát động trong các hội viên, phát giỏ cho các hội viên để đồng loạt thực hiện, tạo thói quen mới cho chị em. Một số nơi còn tổ chức được các tổ phụ nữ “Nói không với túi nylon”, các tổ phụ nữ “Nói không với rác”… Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam phát động phong trào trong hội viên phụ nữ xã giặt sạch túi nylon đựng thực phẩm để bán ve chai, góp quỹ cho các hoạt động an sinh xã hội của hội.

Việc giặt lại các túi nylon để tái sử dụng cũng là một thói quen tiết kiệm trong sinh hoạt được nhiều gia đình áp dụng. Túi nào đựng rau củ, đồ khô thì gom lại để dành đựng đồ, túi nào đựng thịt, cá thì được giặt lại hoặc sử dụng làm túi đựng rác. Gần đây, ngành môi trường cũng đã ban hành các chính sách thúc đẩy các cơ sở, tổ may túi thân thiện với môi trường để thay đổi dần thói quen sử dụng núi nylon của người dân.

Cùng với xách giỏ đi chợ, nhiều người đã chọn sử dụng bình nước cá nhân thay cho ly nhựa ở các hàng quán. Ngoài việc tự đem theo nước uống của mình thì nhiều bạn trẻ cũng dùng bình nước, ly nước cá nhân để mua các thức uống ưa thích như trà sữa, trà đào, cà phê. Kèm theo đó là sự phổ biến của các loại túi vải, quai vải đựng bình nước thay thế cho túi xốp.

Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường

Đứng trước vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhiều nước trên thế giới cũng như các địa phương ở nước ta, cộng đồng đang có xu hướng sử dụng các đồ dùng có chất liệu thân thiện với môi trường. Nói riêng về ống hút, ngày nay đã có rất nhiều người không dùng ống hút nhựa nữa mà mua riêng cho mình loại ống hút inox, ống hút thủy tinh có thể rửa lại để tiếp tục sử dụng. Hoặc thay thế ống hút nhựa dùng một lần bằng các chất liệu khác, dễ phân hủy như: giấy, tre, trúc, rơm, cỏ bàng, hay gần đây nhất là loại ống hút làm từ bột gạo của Sa Đéc, Đồng Tháp.

Tại Bến Tre, một số nơi cũng đã xuất hiện loại ống hút từ thân cây sậy. Chúng tôi đến thăm Hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, có thể nói là một trong những nơi đưa ống hút sậy vào sử dụng khá phổ biến. Ông Đặng Trúc Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy cho biết: “Ban đầu tôi cắt cây trúc làm ống hút, nhưng do trúc thì không phổ biến ở vùng này nên không có nhiều vật liệu. Trong khi đó, nhận thấy cây sậy mọc hoang rất nhiều ở các bờ đất xung quanh khuôn viên hợp tác xã, tôi và các anh em trong hợp tác xã mới cắt sậy ra làm ống hút”. Sậy ở đây chọn loại già, cắt ra thành những đoạn khoảng 15cm, sau đó rửa sạch lớp phấn bên trong thân sậy bằng nước nóng rồi sử dụng làm ống hút. Ống hút sậy bước đầu được hợp tác xã chuẩn bị sẵn để tiếp khách đến tham quan cũng như dùng trong một số sự kiện tại địa phương, được nhiều người chú ý. Ông Phương cho biết, hợp tác xã đang tìm hướng tiêu thụ để có thể nhân rộng loại ống hút tự nhiên này.

Có thể nói, những cách trên chỉ mới thiên về thay đổi cách suy nghĩ hơn là về việc từ bỏ vật liệu nhựa. Nếu mở rộng tư duy về mọi việc, sẽ thấy rằng bằng cách đơn giản hóa cuộc sống, ta nhận được nhiều hơn mất, đặc biệt khi thay đổi cuộc sống để bảo vệ môi trường xung quanh. Nhìn ra các tỉnh bạn, ta thấy nhiều nơi đã thay đổi thành công thông qua hình thức truyền thông. Như tại Làng bè Cá Bảy Bon, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã giảm thiểu túi nylon và hạn chế tình trạng vứt rác xuống sông nhờ kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng.

Anh Hậu - quản lý kiêm thuyết minh viên tại Làng bè cho biết, thay vì đơn thuần chỉ thuyết minh về loại cá, bản thân anh kết hợp với truyền thông về cách bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, tại làng bè còn treo băng-rôn với khẩu hiệu “Giảm thiểu túi nylon” để kêu gọi du khách, cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. “Ban đầu truyền thông cũng rất nhiều luồng dư luận, có người đồng tình khen hay, người không hiểu nói mình đang làm ngành môi trường. Nhưng mưa dầm thấm sâu, dần dần mọi người hiểu việc bảo vệ môi trường sống không phải riêng của 1 hay 2 ngành chức năng nào đó là đủ mà quan trọng là ý thức và hành vi có tác động xấu đến môi trường của con người”, anh Hậu chia sẻ.

“Cuộc chiến” với rác thải nhựa đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Gần đây, trên các trang thông tin truyền thông có phát một đoạn video clip quay lại cảnh đàn chim cánh cụt Gentoo sống trên một đảo rác thải trôi nổi giữa Thái Bình Dương, đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Sống thân thiện với tự nhiên không phải là một nghiên cứu theo mốt hay xu thế, mà là một cách tiếp cận có ý thức và trách nhiệm về bản thân và môi trường xung quanh. “Đã đến lúc phải thay đổi thói quen để sống có trách nhiệm hơn với môi trường và với chính bản thân mình cũng như con cháu mình trong tương lai”, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (phường Phú Khương, TP. Bến Tre) chia sẻ.

Thanh Đồng - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN