Làm cống thay cầu kết hợp ngăn mặn, trữ ngọt

06/05/2020 - 07:06

BDK - Bến Tre được hình thành bởi 3 dải cù lao (cù lao An Hóa, Bảo và Minh), phía ngoài Biển Đông bao bọc, nội địa nhiều con sông, rạch tự nhiên chia cắt. Do đó, hệ thống giao thông đường bộ, nhất là giao thông nông thôn bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch, ao mương và nhiều nơi còn đò ngang không an toàn.

Nhiều công trình xây cống thay cầu kết hợp ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ đã phát huy hiệu quả. Ảnh: H-C-Đ

Nhiều công trình xây cống thay cầu kết hợp ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ đã phát huy hiệu quả. Ảnh: H-C-Đ

Xóa cầu khỉ, cầu tạm

Thực trạng xã, ấp trên địa bàn tỉnh có nhiều con đường, mỗi tuyến có rất nhiều cầu như địa danh vùng ba bước lội ở xã Đa Phước Hội, An Thạnh, An Thới, An Định, Phước Hiệp, mỗi xã có trên 150 cây cầu; xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú 110 cây cầu; Ấp 5B, thị trấn Giồng Trôm 120 cầu. Đặc biệt, đoạn đường tổ nhân dân tự quản số 13 - 14, Ấp 5B, thị trấn Giồng Trôm dài 480m có 23 cây cầu, đoạn đường ở ấp An Vĩnh, xã Đa Phước Hội dài 700m, có 15 cây cầu.

Trong nhiều năm qua, lãnh đạo các cấp và nhân dân rất quan tâm đến xây cầu, làm đường phục vụ đi lại, vận chuyển vật tư, hàng hóa an toàn, góp phần kích thích phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Lúc đầu, khi kinh tế còn khó khăn thì chủ yếu là cầu gỗ (cầu khỉ), cầu tạm để phục vụ nhu cầu đi lại trước mắt của người dân. Về sau, thực hiện thay thế bằng cầu thép, rồi phấn đấu làm cầu bê-tông.

Qua phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã tập trung xây dựng cầu, đường nông thôn cơ bản nên xóa cầu khỉ, cầu tạm và xây mới, nâng cấp cầu, đường hiện có phục vụ phát triển kinh tế nông thôn. Từ năm 2001 - 2020, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường (KHKTCĐ) tỉnh đã phối hợp  với các ngành hữu quan và chính quyền huyện, xã đã vận động kinh phí, tổ chức xây dựng đưa vào sử dụng 2.300 cây cầu, 350km đường bê-tông phục vụ cho sự đi lại, vận chuyển vật tư, hàng hóa phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Xây cống thay cầu

Tuy nhiên, cầu đưa vào sử dụng lâu ngày xuống cấp, bị hư phải xây mới rất tốn kém, điều kiện những nơi đó chúng ta có thể xây cống thay cầu hoặc lấp bớt kênh rạch làm đường vững chắc, kinh phí xây dựng giảm hơn nhiều, kết hợp ngăn mặn cục bộ, trữ ngọt có nước sinh hoạt cho dân. Thực hiện chương trình vận động hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, vừa qua, Hội KHKTCĐ tỉnh làm tư vấn phối hợp với lãnh đạo huyện, xã, lấy ý kiến người dân tiến hành thí điểm và triển khai xây dựng trên 100 cống thay cầu (kinh phí giảm khoảng 50% so với xây cầu). Trong số đó, cống thay cầu ấp An Hòa, xã Bình Khánh Tây (nay là xã Bình Khánh), huyện Mỏ Cày Nam theo thiết kế dự toán (báo cáo kinh tế kỹ thuật) xây cầu phải đầu tư 2 tỷ đồng, dự án xây cống (cống đôi Þ1000) chỉ 900 triệu đồng. Đồng thời, các địa phương đã lấp trên 200 ao mương, kênh rạch, kinh phí ít hơn, chủ yếu là công lao động dân làm như cầu An Qui 2 ở ấp An Qui, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, dự án xây mới cầu kinh phí 370 triệu đồng, nhân dân chuyên chở đất sang lấp, phủ lớp bê-tông nối tuyến đường chỉ tốn 50 - 60 triệu đồng.

Thiết nghĩ, thực trạng giao thông nông thôn còn phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đi lại, vận chuyển vật tư, hàng hóa, góp phần kích thích phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới thì kế hoạch xây cống thay cầu, lấp bớt kênh rạch, ao mương xây đường vững chắc, bảo đảm tải trọng và kết hợp ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ phục vụ nhu cầu dân sinh vào mùa hạn mặn là rất cần thiết. Hội KHKTCĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiến hành khảo sát giao thông nông thôn từng xã, ấp, hiểu rõ thực trạng cầu, đường qua sông, rạch, kênh, ao mương vườn trên tuyến đường, các dòng chảy cung cấp nước sinh hoạt, lưu thông vận chuyển đường thủy, nhận thấy nơi nào có thể lấp, nơi nào làm cống thay cầu để bổ sung điều chỉnh quy hoạch hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn để có kế hoạch tiến hành xây dựng.

Bên cạnh đó, các công trình trước khi triển khai phải có dự án, thiết kế, dự toán kinh phí xây dựng so với xây cầu để làm cơ sở cho quản lý xây dựng và đưa ra dân tham khảo đóng góp. Phát động ra dân trình bày dự án để dân biết, dân trao đổi, dân đồng tình, dân đóng góp xây dựng, dân kiểm tra để hoàn thành.

Về kỹ thuật cống tròn (cống chiếc, cống đôi) hoặc cống vuông phải được thiết kế chắc chắn, có phương tiện thiết bị ngăn mặn, bảo đảm trữ nước ngọt bên trong. Làm cống thay cầu hoặc lấp kênh rạch trên tuyến đường nào, đường đó phải được củng cố nâng cao ngăn triều cường vào mùa mặn và hướng dẫn cụm dân cư ngăn các dòng nước khác vào thì mới giữ nước ngọt phục vụ cho khu vực.

Hội KHKTCĐ tỉnh tiếp tục phát huy chương trình vận động hỗ trợ giao thông nông thôn, sẽ có kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền xã, ấp bảo trì cầu, đường hiện có và vận động làm cống thay cầu, lấp kênh rạch, ao mương xây đường vững chắc, kết hợp ngăn mặn trữ ngọt cục bộ phục vụ nước sinh hoạt cho dân.

Trịnh Văn Y

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN