Tập trung giải pháp ưu tiên thực hiện tiêu chí môi trường

11/01/2019 - 09:04

BDK - Xác định tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17) là tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án số 4113 thực hiện tiêu chí số 17 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để các ngành, địa phương cùng hoàn thiện tiêu chí.

Tuyến đường xanh - sạch - đẹp của Hội Cựu thanh niên xung phong xã Mỹ Hòa (Ba Tri).

Tuyến đường xanh - sạch - đẹp của Hội Cựu thanh niên xung phong xã Mỹ Hòa (Ba Tri).

Nhiều vấn đề đáng quan tâm

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Chinh cho biết, giai đoạn 2012 - 2016, tỉnh đã huy động nhiều nguồn để thực hiện tiêu chí số 17 với kinh phí trên 152 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp môi trường cấp tỉnh là 8 tỷ đồng, còn lại huy động sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài tỉnh; người dân cũng tham gia đối ứng trong thực hiện công trình bảo vệ môi trường gắn với hộ gia đình.

Ngoài ra, công tác xây dựng cảnh quan môi trường được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đoàn thể trong việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường. Qua đó, người dân đã thấy được lợi ích từ việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp nên tự giác tham gia  các hoạt động gìn giữ tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức bảo vệ môi trường, tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định còn xảy ra.

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nguyễn Thị Thúy, thực tế tại nhiều địa phương, cảnh quan môi trường chỉ tập trung thực hiện giai đoạn kiểm tra thẩm định tiêu chí và chủ yếu là cán bộ địa phương thực hiện làm vệ sinh, chưa huy động được sự tự giác của toàn thể cộng đồng. Một số nơi có thành lập tổ bảo vệ môi trường nhưng không thường xuyên hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả do các thành viên trong tổ chưa nắm hết những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các địa phương còn gặp khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu: nghĩa trang nhân dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn môi trường do vấn đề tâm linh và tập quán sản xuất khó thay đổi trong thời gian ngắn; rác nguy hại như bao gói thuốc bảo vệ thực vật chưa có biện pháp xử lý an toàn; số hộ có hố xí hợp vệ sinh vẫn chưa tự giác tháo dỡ cầu tiêu ao cá, trong khi ngành chức năng chưa có chế tài, biện pháp xử lý mà chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, vận động. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, kể cả các xã đã được công nhận NTM vẫn còn xảy ra các khiếu nại, tố cáo phản ánh liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường.

Giải pháp thực hiện

Theo ông Nguyễn Văn Chinh, ngành TN&MT tập trung triển khai Đề án số 4113  hực hiện tiêu chí 17 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, chú trọng xây dựng quy trình thu gom, xử lý chất thải rắn gắn với vận động và hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác tại nguồn; ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh nhằm hạn chế lượng rác phát sinh. Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng khu xử lý rác thải tập trung của huyện theo quy hoạch. Từng chỉ tiêu sẽ có giải pháp ưu tiên và lộ trình thực hiện.

Cụ thể, nâng tỷ lệ người dân đăng ký thu gom rác trên các tuyến đường có biện pháp xử lý trong đốt đảm bảo vệ sinh môi trường tại các địa phương; đầu tư dụng cụ thu gom rác cho các khu công ích, khu công cộng, cơ quan, trường học, chợ, trục đường chính… 10 thùng rác trên/xã; đầu tư nâng cấp khu xử lý rác thải sinh hoạt liên huyện như: lò đốt rác, bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm. Dự kiến 1 lò đốt rác/huyện với tổng kinh phí 10 tỷ đồng/lò.

Đầu tư thêm phương tiện mở rộng mạng lưới thu gom rác đối với các xã nằm trên tuyến quốc lộ, tỉnh, huyện lộ; kêu gọi đầu tư huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư lò đốt rác sinh hoạt tại các địa phương. Đi kèm đó là chính sách hỗ trợ đầu tư hợp lý về đất đai giá xử lý rác thải. Đồng thời, hỗ trợ trên 27 hộ và vận động ít nhất trên 32 ngàn hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xóa hoàn toàn cầu tiêu ao cá đối với các hộ đã có hố xí hợp vệ sinh.

Ông Nguyễn Văn Chinh cho biết, để thực hiện có hiệu quả tiêu chí 17, ngành sẽ tăng cường phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tổ chức đoàn thể tỉnh và các địa phương để phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi đơn vị sẽ bố trí một cán bộ thực hiện theo dõi, phối hợp, hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn thực hiện tốt việc thu gom, xử lý và có giải pháp để thực hiện. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Cùng với các giải pháp trên, ngành phối hợp UBND các huyện chỉ đạo kiện toàn tổ thu gom, xử lý rác ở tất cả các xã, khu phố, phấn đấu hết năm nay tất cả xã có tổ, đội tự quản về môi trường hoạt động hiệu quả; các xã phấn đấu nâng tỷ lệ thu gom rác thải và thu phí vệ sinh môi trường ở xã, tổ NDTQ đạt 100%. Cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường, nhất là xả thải không đúng nơi quy định, đồng thời biểu dương tập thể, cá nhân làm tốt.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN