Thạnh Phú: Nâng cao năng lực trong phòng chống thiên tai

09/11/2020 - 06:23

Thi công công trình cống Giồng Luông trên địa bàn xã Phú Khánh, Thạnh Phú. Ảnh: C. Trúc

Thi công công trình cống Giồng Luông trên địa bàn xã Phú Khánh, Thạnh Phú. Ảnh: C. Trúc

Những năm qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, đồng thời tận dụng mọi nguồn lực để thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, vai trò trách nhiệm, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong ứng phó với tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, đánh giá năng lực các cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai cho thấy, cơ sở hạ tầng của huyện còn hạn chế, nhất là nhà ở nhân dân vùng nông thôn, khu vực ven sông, ven biển, các cồn. Những công trình phòng chống thiên tai như: khu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà tránh trú bão của địa phương không đảm bảo an toàn trước gió bão mạnh từ cấp 10 trở lên... Do đó, khi có tình huống thiên tai xảy ra (nhất là bão mạnh, siêu bão) sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác ứng phó.

Hệ thống công trình thủy lợi chưa khép kín. Tuyến đê biển chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Hệ thống cống dưới đê, tuyến đê sông, đê cục bộ và khu vực sau khi xây dựng đưa vào khai thác sử dụng đến nay cao trình hiện trạng và bề rộng mặt đê đã giảm so với thiết kế... nên hàng năm bị ảnh hưởng nặng nề của một số loại hình thiên tai như hạn mặn; sạt lở bờ sông, bờ biển...

Quan điểm chỉ đạo của huyện trong phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Phòng chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới. Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu. Khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn. Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.

 Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết, UBND huyện tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân, nhằm nâng cao ý thức ứng phó trước và trong mùa mưa bão, xâm nhập mặn năm 2020. Duy trì công tác trực Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện. Rà soát, bổ sung phương án phòng chống bão mạnh và siêu bão và công tác sơ tán dân ở các xã. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn để đảm bảo ứng phó với mùa mưa bão. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ một số lớp tập huấn về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các xã ven sông, biển.

Các ngành chức năng huyện thường xuyên theo dõi và khuyến cáo nhân dân thực hiện tốt lịch thời vụ phục vụ sản xuất cho phù hợp. Hướng dẫn khôi phục các vùng sản xuất bị ảnh hưởng, đặc biệt là diện tích nuôi thủy sản. Thường xuyên kiểm tra các hệ thống đê bao, cống và bờ bao; kịp thời sửa chữa nếu xảy ra trường hợp hư hỏng; phối hợp vận hành hệ thống công trình thủy lợi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trên cây trồng và vật nuôi.

C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN