Xử lý ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng công ích

27/11/2020 - 07:11

BDK - Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3-7-2018. Đến nay, công tác xử lý bước đầu đạt kết quả, nhưng muốn xử lý triệt để cần có những kế hoạch lâu dài trong giai đoạn tới.

Hoạt động xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.

Hoạt động xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.

Kết quả đạt khá  

Theo Quyết định số 807/QĐ-TTg về việc thực hiện Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh có 8 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý. Các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng là Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, bãi rác huyện Mỏ Cày Nam, bãi rác thị trấn Bình Đại và các xã lân cận, bãi rác thị trấn Chợ Lách, bãi rác thị trấn Thạnh Phú, bãi rác huyện Ba Tri, bãi rác chợ Ba Vát, bãi rác huyện Giồng Trôm. Đến nay, tỉnh thực hiện đạt được những kết quả nhất định, với tỷ lệ cơ sở hoàn thành xử lý triệt để 63%.

Có 8 bãi chôn lấp rác tập trung với tổng diện tích 13,14ha, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và kết hợp với đốt. Hầu hết các bãi chôn lấp hở, chưa xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích trên địa bàn tỉnh là 3 cơ sở: bãi rác huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Từ năm 2014, Trung ương đã hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác huyện Ba Tri (2 tỷ đồng năm 2014 và 4,6 tỷ đồng năm 2015). Năm 2017, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác huyện Thạnh Phú và Bình Đại do Công ty TNHH Công nghệ môi trường Trần Nguyễn (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện và khởi công năm 2018, với tổng kinh phí lần lượt 5,087 tỷ đồng và 7,882 tỷ đồng do nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và vốn đối ứng tỉnh 50%. Hiện nay, 2 dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác huyện Bình Đại và Thạnh Phú đã hoàn thành và bàn giao công trình cho địa phương quản lý.

Còn lại bãi rác tại các huyện Giồng Trôm, Chợ Lách và Mỏ Cày Nam đang được cải tạo, nâng cấp bằng nguồn ngân sách địa phương. 2 dự án là một trong những nhiệm vụ, dự án ưu tiên phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh tại Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 3-2-2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre. Dự kiến, thời gian thực hiện và hoàn thành dự án 2020 - 2022.

Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Võ Văn Ngoan cho biết, Quyết định số 64 ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có bãi rác TP. Bến Tre (bãi rác Phú Hưng). Hiện nay, bãi rác Phú Hưng đã đóng cửa và được khắc phục, xử lý ô nhiễm. Thay thế cho bãi rác Phú Hưng đã được đóng cửa, Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có công suất 250 tấn/ngày tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre bắt đầu triển khai từ năm 2016, với diện tích 4,2ha, tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt của TP. Bến Tre và huyện Châu Thành. Công nghệ xử lý của nhà máy là dây chuyền phân loại rác, hầm ủ vi sinh, sản xuất phân hữu cơ và kết hợp với hệ thống lò đốt. Năm 2020, dự án đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động cơ bản đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Xử lý tình trạng gây ô nhiễm

Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Võ Văn Ngoan cho biết thêm, hiện nay, các bãi chôn lấp rác đều quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không còn quỹ đất để tiếp tục quy hoạch chôn lấp rác với lượng rác phát sinh ngày càng tăng. Một số bãi rác ở Bình Đại, Chợ Lách, Thạnh Phú và Ba Tri đã được khắc phục ô nhiễm nhưng vẫn tiếp tục tiếp nhận rác hàng ngày và xử lý không đảm bảo dẫn đến môi trường ô nhiễm trở lại.

Mặt khác, tình hình kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch tại tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Một số địa phương có chủ động kêu gọi đầu tư, nhưng thực tế chưa có nhiều nhà đầu tư triển khai dự án, gây khó khăn cho việc đẩy mạnh xây dựng mô hình xã hội hóa trong công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích. Nguồn ngân sách cho công tác đầu tư xử lý triệt để các cơ sở này vẫn còn hạn chế. Năm 2018, ngân sách sự nghiệp môi trường chi trả hỗ trợ khoảng 66 tỷ đồng cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên toàn tỉnh. Đến nay, nhiều dự án còn triển khai chậm và chưa xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục xin hỗ trợ kinh phí từ Trung ương để xử lý các bãi rác hiện hữu, trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý tại địa phương còn rất hạn chế.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị và đề xuất Bộ TN&MT tiếp tục hỗ trợ tỉnh xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2020 - 2025. Cụ thể, bãi rác huyện Giồng Trôm, Chợ Lách, Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Mỏ Cày Nam và chợ Ba Vát. Đồng thời, tỉnh mong Trung ương hỗ trợ kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài nước triển khai dự án xây dựng khu liên hợp xử lý rác thải tập trung cho toàn tỉnh.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường, đóng cửa bãi rác huyện Giồng Trôm vào năm 2020 - 2021, dự kiến kinh phí 3 tỷ đồng; tiếp tục nâng cấp, cải tạo và xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác huyện Chợ Lách, Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại vào năm 2020 - 2025, với kinh phí dự kiến 17 tỷ đồng. Xử lý ô nhiễm môi trường, đóng cửa bãi rác các cấp xã trên địa bàn các huyện vào năm 2020 - 2025, với kinh phí dự kiến 40 tỷ đồng. Giai đoạn 2025 - 2030, đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý rác thải tập trung cho toàn tỉnh, dự kiến hình thức kêu gọi đầu tư, xã hội hóa.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN