Mùa xuân và những chiếc cầu quê hương

03/01/2011 - 08:05
Cầu Rạch Miễu. Ảnh: THANH VŨ

Vài năm trước đây, cứ mỗi độ xuân về Tết đến, những người con Bến Tre đi xa trở về quê, đụng bến phà Rạch Miễu lòng ai cũng cảm thấy bồn chồn, lóng ngóng nhìn đoàn xe đậu nối đuôi nhau xa tít mà thở dài thậm thượt. Lúc đó, trời đã gần giữa trưa nhưng ánh nắng vẫn còn nhàn nhạt, thấp thoáng bên kia đường có hai thanh niên người không cao lắm mặc áo gi-lê màu xám bó sát thân, có lẽ là nhà báo cứ tới lui, lăng xăng đưa máy ảnh lên ngắm nhìn như để chọn góc độ lấy ảnh… để đăng báo hay làm tư liệu kỷ niệm gì đó. Tôi cũng nghĩ vậy thôi lúc rảnh mắt chờ phà… song nghĩ cho cùng, kể từ ngày mọc lên cây cầu Mỹ Thuận to đùng, sừng sững giữa đồng bằng sông Cửu Long, người dân Bến Tre chợt nao nao mơ ước về một cây cầu ngang qua bến phà Rạch Miễu này… Một ước mơ thầm kín và sâu lắng.

Nhớ lại ngày khánh thành cây cầu An Hóa (Châu Thành) cũng chỉ là cây cầu bê-tông nhỏ thay cho bến phà con có tàu đẩy qua hai bến lài. Sáng sớm hôm sau, nhà báo lão thành Nguyễn Văn Châu từ thị xã Bến Tre một mình chạy xe máy xuống đến đỉnh cầu, đứng nhìn bốn phía rồi hướng về phía quê mình Bình Đại mỉm cười thỏa nguyện…

Không bao lâu sau đó, tại bến phà Rạch Miễu này cũng vào những ngày Tết đến, những chiếc phà chở đầy ắp xe, người nối đuôi nhau xuôi ngược, lênh đênh, bềnh bồng trên sông nước. Gió chướng thông ngọn thổi dài trên mặt sông Tiền se se lạnh… Những người đi phà đứng trước mũi sát ban công chuyện vãn thường hay nhìn về phía cây cầu, từ khi nó còn là những trục thẳng đứng, chơi vơi đến lúc thành vệt dài bắt bóng qua sông Tiền… Người thanh niên tấm tắc khen: Đúng là cây cầu thế kỷ của Bến Tre… và người có tuổi đứng cạnh xen vào: Phải nói là cây cầu thế kỷ thời mở cửa cho con cháu sau này nó còn nhớ nữa chứ! Nhưng mở cửa không biết bao lâu mới vực dậy kinh tế của ốc đảo bao đời nay! Một thanh niên mặc áo xám (có lẽ là nhà báo) góp lời: Tất nhiên là phải có thời gian… nhưng theo tôi được biết, mới đây ông Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn có cho biết: Năm 2008 này vốn đầu tư nước ngoài có triển vọng đạt trên hàng trăm triệu USD, hiện đã trình lên UBND tỉnh hơn 24 hồ sơ dự án xin đầu tư khi công trình xây dựng cây cầu Rạch Miễu sắp hoàn thành…

Và trong những ngày náo nức vui mừng hôm ấy, cũng nhằm vào những ngày kỷ niệm Bến Tre Đồng Khởi, nhiều phóng viên, nhà báo, nhà nhiếp ảnh đã tưng bừng săn ảnh xung quanh cây cầu… Đặc biệt, có vài nhà báo, nhà nhiếp ảnh còn dùng cả ghe xuồng lênh đênh trên mặt sông để chụp được cảnh mặt trời rựng lên buổi sáng hay ngã xế về phía Tây ở cuối chân trời, dưới chân cây cầu quê hương để thỏa lòng mơ ước về một cây cầu…

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tấn Khổng cho rằng: “Cầu Rạch Miễu không phải là cây cầu lạ” và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be xác định: “Cầu Rạch Miễu chỉ là phương tiện, nhưng rút ngắn thời gian đi lại đã là một lợi thế phát triển”. Và theo lời Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phạm Văn Long, thì Bến Tre sông rạch chằng chịt, thuận lợi cho giao thông thủy, nhưng lại là trở ngại lớn cho giao thông đường bộ, rất tốn kém… Đây chính là nỗi trăn trở và là nhiệm vụ nặng nề của ngành GTVT tỉnh, vì ngân sách và nguồn vốn của các địa phương còn nhiều khó khăn…

Có thể nói, đến ngày giải phóng, Bến Tre chưa có cây cầu bê-tông cốt thép, nhưng đến ngày xây dựng cầu Rạch Miễu đã tiến hành nhựa hóa, bê-tông hóa gần 3.000km đường giao thông nông thôn, xây dựng được trên 2.500 cầu bê-tông dài gần 54km. Riêng việc đầu tư cơ bản, sửa chữa các công trình giao thông trong tỉnh đã đến gần 2.500 tỷ đồng…

Bằng việc thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào xây dựng nông thôn, những cây cầu bê-tông trên địa bàn, cả những bà mẹ Việt Nam anh hùng… tham gia sôi nổi… Đặc biệt, từ năm 2003 đến ngày khánh thành cầu Rạch Miễu, riêng Hội KHKT cầu đường Bến Tre do ông Trịnh Văn Y (Mai Sơn) làm Chủ tịch Hội đã vận động các nhà hảo tâm (trong đó, nổi bật có ông Tony Ruttimann – người Thụy Sĩ), các tổ từ thiện trong và ngoài nước tập trung xây dựng cầu đường ở các xã vùng sâu, vùng xa… lên đến trên 55 tỷ đồng với trên 700 cây cầu bê-tông có chiều dài 13km, đã xóa được trên 600 cây cầu tréo và 42 bến đò ngang sông không an toàn…

Và đến những ngày đầu xuân Tân Mão này, Hội đã xây dựng trên 1.000 cây cầu bê-tông, cáp treo, góp phần làm thông thoáng hệ thống giao thông nông thôn khắp các địa bàn trong tỉnh… Và người dân cù lao Minh càng hồ hởi hơn trong ngày hoàn thành giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho lễ khởi công xây dựng đường dẫn vào cầu Cổ Chiên theo dự án nối liền với tỉnh Trà Vinh. Điều đó làm cho tôi nhớ lại ngày tưng bừng khánh thành cây cầu Hàm Luông với người dân trên cù lao này.

Hôm ấy, gặp một phóng viên đang đứng trên đỉnh cầu đang hướng ống kính máy ảnh về phía Mỏ Cày Bắc. Anh nói: Từ lâu tôi vẫn thèm có một tấm ảnh ghi được vệt dài những bóng dừa xanh ngút ngàn dọc theo sông Hàm Luông phía bên Mỏ Cày Bắc ở một độ cao cho phép… Có biết bao kỷ niệm khó quên của lực lượng du kích dưới từng rặng dừa bên khúc sông quê hương ấy…

Dẫu sao mùa xuân, những cây cầu quê hương đã đồng hành với nhà báo suốt ba năm qua, với bao hừng hực lửa nghề nghiệp đã ghi đậm ấn tượng sâu sắc một thời của người làm báo ở đây… Song, điều làm tôi ngây ngất nhất là sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, một đại biểu tái đắc cử vào Ban Chấp hành đã “bật mí” một tin vui: Rồi đây tỉnh sẽ xây dựng dự án bắc cây cầu từ nền móng của bến phà Hàm Luông (cũ) ngang qua sông Bến Tre đến xã Mỹ Thạnh An, để mở rộng và tạo vẻ mỹ quan cho thành phố… Với tôi, nó không chỉ là cây cầu mà còn là nét đẹp thơ mộng của thành phố trên dòng sông đã đi vào lịch sử của quê hương…

Một tin vui nữa lại đến trong những ngày cuối năm, là sau khi một công ty ở TP.HCM về xây dựng nhà máy chế biến hạt cacao ở huyện Châu Thành, thì một nhà đầu tư từ Pháp sang xây dựng dự án nhà máy than hoạt tính ở huyện Giồng Trôm… Đúng là từ những cây cầu, quê hương đang mở cửa dần ra nhiều phía có vùng nguyên liệu rộng lớn…

Và, niềm vui sướng lớn nhất trong mùa xuân, ngày Tết năm nay là những người con Bến Tre đi xa về, có thể ung dung đến tận nhà ở vùng sâu bằng xe máy… nhưng liệu rồi còn có ai tiếc rẻ nhớ về những chiếc phà bềnh bồng lướt sóng theo từng cơn gió chướng thông ngọn của những ngày xuân năm nào không?

Dù sao, đó cũng là kỷ niệm êm đềm, rất đẹp lòng người trong thời đổi mới trên một vùng quê có những dòng sông, những cây cầu quê hương với nhiều ấn tượng khó quên.

Kim Huyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN