Ngày xuân về xóm Trại

20/01/2017 - 07:41

Xóm Trại nằm hun hút bên triền sông Hàm Luông, nhìn từ xa hình hài xóm Trại chỉ là bạt ngàn những cây dừa nước, cây bần, cây mắm, và mang tiếng là xóm Trại nhưng người dân ở đây không có ai đủ tầm để làm trang trại. 

Vẫn biết xóm Trại nằm ở nơi heo hút, nơi “cây đước, cây bần lặn lội mở đường đi”, nhưng tâm thế lịch sử của vùng đất này lại rất linh hiển và đẳng cấp. Chuyện xưa từng kể rằng: Vua Gia Long đã có lúc ẩn náu ở chốn này khi bị nhà Tây Sơn truy đuổi, một hôm bị quân thù phát hiện ông phải chạy vào rừng lá, nhưng vì vết chân trên bùn sình để lại nên kẻ thù tiền kiếp của ông bám theo sát sạt phía sau. Trong lúc nguy cấp ấy đã xuất hiện một điều lạ kỳ, hàng trăm con rái cá bỗng dưng xuất hiện và ông đi tới đâu bầy rái cá chạy theo sau xóa hết vết chân người, nhờ đó mà ông thoát nạn. Sau này vào thế kỷ XVIII, khi nhà Nguyễn có chủ trương di dân xứ Quảng về phía Nam để mở mang giang sơn, xóm Trại một lần nữa lại được các lưu dân chọn làm nơi khai khẩn và lập làng, lập xóm.

Ông tổ của xóm Trại chính là ông Thái Hữu Kiểm, người đã làm nên giai thoại về ông già Ba Tri đi kiện sau này. Xin nói thêm một chút về thân thế ông Thái Hữu Kiểm, ông là người huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã cùng gia quyến dong thuyền đi về phương Nam chọn nơi ở mới, gia đình ông đã đi và sống thử nhiều nơi, lúc ở Gò Công khi thì Bà Rịa…, sau cùng ông đã chọn vùng đất xóm Trại để lập làng. Người xưa đặt tên làng, tên xóm thường có thói quen lấy tên từ một loài vật hoặc một loại cây có tính đặc trưng, ví như nơi có nhiều cây bần thì đặt là xóm Bần, vùng có nhiều cây dừa nước là xóm Lá…, xóm Trại cũng vậy, nơi đây từng có rất nhiều cây trại già mọc thành từng bãi nên được gọi là xóm Trại. Ông Thái Hữu Kiểm và các thành viên trong dòng họ Thái ở đây một thời gian thì kéo nhau về thị trấn Ba Tri (ngày nay) để lập làng mới, xóm Trại lại trở về với cái thuở ban đầu: đìu hiu và hoang dã. Phải đến mấy chục năm sau tính từ ngày dòng họ Thái rời xa xóm Trại mới có một số người dân nghèo khó trong vùng lác đác kéo đến chặt cây rừng làm nhà định cư. Do là vùng đất trũng thấp lại nhiễm mặn nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa mùa bấp bênh, thời gian còn lại họ sống chủ yếu bằng nghề chài lưới ven sông, chặt lá dừa nước phơi khô bán lại cho dân nơi khác lợp nhà.

Tính cho đến ngày đất nước thống nhất (1975), lịch sử hình thành xóm Trại đã có trên trăm năm nhưng nhịp sống của cư dân nơi đây cũng không có nhiều thay đổi, nó diễn tiến một cách thanh bần và tẻ nhạt, những người già khi chết đi thân xác được vùi sâu trong tầng đất phù sa mềm nhão, lớp trẻ lớn lên lại tiếp tục những công việc xưa cũ: khi sa cơn mưa thì làm ruộng, đến mùa khô hạn thì chài lưới, chặt lá. Có một lời bài hát “…Nhánh mù u con bướm vàng không đậu… câu thơ buồn… lữ khách sang sông…”. Vẫn biết lời bát hát rất tâm tư và buồn nhưng sao tôi thấy nó cứ như là lời tỏ bày của nhiều thế hệ cư dân xóm Trại. Ở xóm Trại còn có một bến đò ngang, nó là chiếc cầu nối giữa đôi bờ cù lao Minh và cù lao Bảo. Trong dòng lịch sử thâm trầm của đất nước, bến đò ngang này là chứng nhân của nhiều cuộc đấu súng khốc liệt và nó cũng là nơi hò hẹn, se duyên cho rất nhiều mối tình nồng nàn, đôn hậu của cư dân vùng sông nước.

Đầu xuân tôi về thăm xóm Trại, gặp lại mấy người quen từng gọi nhau là bạn. Xóm Trại bây giờ đã đổi thay đến bất ngờ, những nếp nhà lá khi xưa bây giờ đang dần biến mất, thay vào đó là những căn nhà tường và có cả những ngôi biệt thự theo kiểu nhà vườn sang trọng. Thời điểm mà xóm Trại đổi thay có tính bước ngoặt là vào những năm 2000, khi đó phong trào nuôi tôm sú công nghiệp bắt đầu phát triển rầm rộ, dân các nơi tấp nập về xóm Trại mua đất, thuê đất để nuôi tôm. Vậy là từ những thửa ruộng một vụ lúa, khi mùa khô hạn thì bỏ hoang lại trở nên có giá và khá đắt đỏ. Và cũng từ đó, cư dân xóm Trại bắt đầu bắt tay vào công cuộc làm ăn lớn. Những năm đầu hầu như nhà nào ở xóm Trại cũng trúng tôm, người ít cũng kiếm bạc trăm, người nhiều lên đến tiền tỷ. Dân có tiền, lại được Nhà nước đầu tư làm đường, điện rồi ngay cả bến đò ngang nhếch nhác cũng được cải tạo thành bến phà hiện đại, vì vậy cuộc sống của bà con khá là sung túc.

Nghề nuôi tôm công nghiệp vẫn biết là lợi nhuận rất lớn nhưng rủi ro cũng vô cùng vất vả. Mấy năm nay do nhiều nguyên nhân: nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng con giống không chuẩn, thời tiết cực đoan nên nghề nuôi tôm ở xóm Trại rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Tính ra cứ mười người nuôi thì chỉ ba, bốn người là kiếm ăn được, hai người hòa vốn, năm người còn lại kể như là mất trắng. Thậm chí có nhiều người mắc nợ phải giao cả sổ đất, sổ nhà cho chủ nợ, thế mà vẫn còn âm tới vài trăm triệu đành phải bỏ xứ tha phương tìm cơ hội khác. Ngồi chung mâm với bạn bè xóm Trại, không cần phải hỏi thăm cũng dễ dàng nhận biết vụ tôm năm nay ai thắng ai thua, bởi người trúng nói năng rất tự tin nhưng vô cùng khiêm tốn, còn người thất bại thì trầm lặng như đang ủ mưu tìm phương thoát hiểm vậy. Chọn nghề nuôi tôm làm phương sinh kế là phải chấp nhận sự may rủi năng nề.

Ở xóm Trại sự phân hóa giàu nghèo trong cộng đồng đang ngày một nhiều, tuy nhiên tình người, tình làng vẫn còn nồng ấm. Hàng năm khi vào độ xuân về tết đến, người dân xóm Trại vẫn tụ tập bên nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng thụ hưởng từng cơn gió trong lành mang đầy ắp hương vị phù sa nồng nàn từ phía cửa sông Hàm Luông mang tới, cho dù cuộc mưu sinh ở thì tương lai còn chứa đầy chắt lép.

Ký của Phan Tấn Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN