Những kỳ thi và ly chè đậu đỏ

11/03/2014 - 16:55

Đã lâu lắm rồi, có đến vài chục năm về trước, cũng thời điểm này tôi và chúng bạn đang “mài mòn ghế” để học ôn chuẩn bị thi tốt nghiệp. Lúc đó, vào  năm 1983, kỳ thi tốt nghiệp chúng tôi phải thi 4 môn (Toán, Văn, Hóa, Sử), riêng môn Ngoại ngữ là môn thi nhiệm ý (môn thi không bắt buộc, học sinh tự do đăng ký thi nhưng bài thi phải đạt từ điểm 8 trở lên mới được cộng thêm từ 1 đến 3 điểm). 

Thời ấy, việc học ôn thi đối với chúng tôi thật đơn giản. Thầy cô ôn trên lớp khoảng đôi mươi bài, thế là trò cứ vậy ôm về nhà học. Cách tuần bắt đầu học nhóm trả bài lẫn nhau. Khi có những bài khó học “không vô” sẽ nhờ đến thầy cô phụ trách bộ môn “truyền” cho mấy chiêu thức cơ bản. Đó là đối với những bài, môn thi dạng học thuộc. Còn những môn hiểu để làm bài (Hóa, Toán) thì đơn giản hơn, nắm kỹ công thức, ôn luyện bằng cách cố gắng làm thật nhiều bài tập để “có vốn” khi vô thi. Thời đó, kinh tế cả nước rất khó khăn, cha mẹ nghèo đâu ai biết đi học thêm, học “cua” gì đâu, mà có muốn học thêm cũng không có nơi để học. Có lần, đám học trò chúng tôi kéo đến nhà thầy để hỏi thêm những kiến thức, bài tập khó. Thầy hướng dẫn tận tình, miễn phí, rồi còn hái ổi, khế, me cho chúng tôi ăn. Vậy mà bọn chúng tôi thi kết quả cũng “kêu” lắm, 35 - 40 điểm vẫn “cả đống”. Giờ này nhớ lại, vẫn bồi hồi những kỷ niệm khó quên về thời áo trắng ấy!

Lúc đó, chắc đã là “mode” của nhiều thế hệ học trò rồi, cứ thi xong môn cuối cùng thì cả bọn, chủ yếu là con gái, kéo nhau ra khu vực Nhà thờ (phường 3) để tự thưởng mỗi đứa một ly chè đậu đỏ. Sao món chè này thời bấy giờ ngon đến lạ. Một ly cối, trong đó có đủ các loại đậu (đỏ, Hà Lan, trắng, xanh…), cộng thêm nước cốt dừa, đậu phộng đâm nhỏ rải lên. Tại sao không là món gì khác mà lại là món chè đậu đỏ, nhưng phải là chè đậu đỏ Nhà thờ phường 3 mới được? Lý giải theo kiểu học sinh vừa ngây ngô, tinh nghịch nhưng cũng không kém phần triết lý tâm linh. Bởi ăn đậu, mà nhất là đậu đỏ, đậu xanh thì kết quả thi sẽ “đậu”. Chè phải thật ngọt để “đậu” đạt điểm cao. Thời gian học và thi, chúng tôi tất cả đều “tự lực”: tự học bài, tự đi thi, tự thưởng… Khác với học sinh thời nay, đối với gia đình khá giả thì cha mẹ lo chu đáo từ cái ăn, nước uống, lại thêm thuốc bồi bổ thần kinh, lo giấc ngủ, đưa đi thi, thi xong đón về; thậm chí có nhiều học sinh còn được cha mẹ treo giải thưởng nếu thi đỗ điểm cao.

Tôi nhớ, dì bán chè đậu đỏ có dáng người khỏe lắm. Chúng tôi chỉ dám đến quán của dì mỗi năm một lần khi thi xong, bởi đâu có nhiều tiền để đi ăn mỗi tối, mỗi tuần. Tiền ít còn để dành mua sách vở, nón, dép… nhiều thứ lắm, nhất là con gái thì còn “lung tung” cả. Một năm học chỉ đi với chúng bạn một lần vậy thôi, như thế đã là quí lắm rồi. Lúc chúng tôi đến nơi, bà chủ dọn thêm mấy cái ghế nhựa (loại nhỏ), một cái ghế gỗ có mặt lớn thay bàn và để chè lên. Mỗi đứa một ly vừa ăn, vừa tâm niệm ăn chè đậu thì chắc chắn sẽ đậu. Trong tủ hàng của dì còn có bánh lọt nước cốt dừa nữa. Món bánh lọt cũng rất ngon nhưng chúng tôi nháy nhau không chọn ăn vào thời điểm mới thi xong vì sợ thi “lọt” là rớt. Dì chủ quán khi thấy chúng tôi đến thì luôn miệng mời ăn chè đậu trước, rồi ăn bánh lọt sau, rồi có phần khích lệ: - Ăn đi, không sao đâu các con! Nhưng cả bọn chúng tôi đều “kiên quyết” không ăn.

Những câu chuyện hồn nhiên tuổi hoa niên là vậy, thế mà trở thành một phần đời của chúng tôi trong suốt chặng đường lớn lên, đi làm, lập gia đình. Lớp học trò ngày ấy đa số đã “ngũ tuần”, có người đã lên chức bà nội, bà ngoại. Dù người thành đạt hay người còn khó khăn, mỗi khi họp lớp, bạn bè gặp nhau lại nhắc những kỳ thi và ăn chè đậu để thi đậu. Chợt nghĩ: lớp học sinh bây giờ có mấy người như chúng tôi ngày xưa!

Hoài An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN