Phấn đấu loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

13/06/2016 - 07:12

Lấy máu xét nghiệm cho phụ nữ mang thai. Ảnh: CTV

Tại Bến Tre, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm dần qua các năm, từ 10% vào năm 2010 xuống còn 3,7% vào năm 2015. Tất cả nhờ vào những nỗ lực của chương trình “Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con”. Đây được coi là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mang lại hiệu quả lớn.

Tỷ lệ lây truyền giảm còn 3,7%

Chương trình được triển khai từ tháng 8-2008 với phạm vi rộng khắp các huyện, thành phố. Lúc đó, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm: xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; cung cấp thuốc ARV cho mẹ/con; sữa thay thế và phương tiện tránh thai. Nguồn sữa được Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ, Sở Y tế vận động từ các tổ chức quốc tế và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS vận động từ các tổ chức từ thiện tôn giáo. Trung bình hằng năm xét nghiệm khoảng 24 - 25 ngàn trường hợp phụ nữ mang thai, phát hiện trên dưới 20 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi các dự án nước ngoài bị cắt giảm, đa phần hoạt động dựa vào nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia, các hoạt động được gói gọn lại, nhưng vẫn thấy được hiệu quả tích cực của chương trình “Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con” với 18 điểm cung cấp dịch vụ, có chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hằng năm, có khoảng trên 65% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và tỷ lệ phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV dương tính giữ mức dưới 0,2%. So sánh hằng năm cho thấy, tỷ lệ lây truyền  HIV từ mẹ sang con giảm dần qua các năm, từ 10% vào năm 2010 xuống còn 3,7% vào năm 2015. Cho đến cuối năm 2015, xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em của tỉnh đạt 100%. Năm 2015, số trẻ được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bị lây nhiễm chiếm tỷ lệ 3,7% .

Được biết, lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở cả 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ mang thai (do máu mẹ qua màng rau thai bị tổn thương sang máu con), 15 - 20% trong thời kỳ chuyển dạ đẻ (tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người mẹ chứa HIV) và 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu...). Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ do các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra đều bị nhiễm HIV. Việc xét nghiệm sớm HIV đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Tỷ lệ nhiễm từ mẹ sang con nếu không được điều trị dự phòng là khoảng 25 - 40%; còn nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc chống HIV ngay từ tuần thứ 28 thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con giảm xuống chỉ còn từ 2 - 5%.

Đẩy mạnh công tác tư vấn, xét nghiệm HIV

Xác định được lợi ích của việc can thiệp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong thời kỳ trước, trong và sau khi sinh sẽ làm giảm đáng kể số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Lời khuyên cho phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai là nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai nghén kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để được tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm.

Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2016, Chương trình “Phòng, chống HIV/AIDS” phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, các trung tâm y tế huyện, thành phố, các trạm y tế tập trung đẩy mạnh công tác tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế. Nêu rõ lợi ích việc xét nghiệm HIV sớm để can thiệp dự phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con đến mức thấp nhất, đồng thời truyền thông cho bà mẹ được điều trị thuốc ARV sẽ mang lại sức khỏe tốt hơn để chăm sóc con của mình. Khuyến khích bệnh nhân tự chi trả tiền xét nghiệm HIV trong điều kiện không có kinh phí Nhà nước hỗ trợ như hiện nay.

Bên cạnh đó, tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (Phòng Khám ngoại trú Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu), đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV; đảm bảo sự sẵn có của thuốc ARV để điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và dự phòng nhiễm HIV ở trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV tại các cơ sở sản khoa; quan trọng hơn nữa là tập trung truyền thông cho bệnh nhân và gia đình đưa trẻ đi xét nghiệm sớm khi trẻ được 4 - 6 tuần tuổi trở lên tại Phòng Khám ngoại trú Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, để xác định tình trạng nhiễm HIV của trẻ và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho hợp lý.

Với những hoạt động thiết thực như trên, ngành Y tế nói riêng và cộng đồng nói chung cùng nhau chung tay góp sức và nỗ lực tích cực, để tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 (từ ngày 1 đến 30-6-2016) với chủ đề “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”, diễn ra một cách hiệu quả và góp phần hướng đến hoàn thành mục tiêu 90-90-90 và kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Anh Thư (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN