Sửa xe đạp vẫn nuôi con thành đạt

16/10/2012 - 15:41

Trong cái thời bão giá, nhiều mặt hàng đua nhau “leo thang”, không ít người “chạy đôn chạy đáo” tìm kiếm, thay đổi liên tục nhiều công việc để đảm bảo cuộc sống gia đình. Thế nhưng, ông Trần Văn Sang, 60 tuổi, ở ấp 4, xã Mỹ Thạnh (Ba Tri) đã hơn 37 năm vẫn bám trụ với nghề sửa xe đạp.

Chúng tôi đi dọc con lộ xã Mỹ Thạnh, hướng theo tuyến đường qua xã An Phú Trung, tìm đến gia đình ông Sang. Cặp bên đường, nào là tiệm tạp hóa, nào salon, shop thời trang và nhiều lắm các tiệm sửa xe, nhưng với ông Sang chúng tôi không nhầm theo lời chỉ dẫn của bà con gần đó. Trước mắt chúng tôi, một tiệm chuyên sửa xe đạp và phía sau xa xa là một ngôi nhà trông khang trang. Đó là nhà ông Trần Văn Sang.

Qua chuyện trò được biết, ông làm quen với nghề từ trước năm 1975, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cùng với số phận không may. Ông Sang kể, một lần ra đồng làm ruộng, đạp phải trái nổ, mất đi bàn chân phải. Khiếm khuyết đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của ông. Để phù hợp với điều kiện khó khăn của mình, ông Sang xin làm thuê trong tiệm sửa xe gắn máy trong huyện. Rồi duyên với nghề cũng bén qua nhiều lần phụ, học lóm. Sau năm 1975, ông Sang nghỉ làm thuê ở tiệm xe về nhà mở tiệm riêng chuyên sửa xe đạp. Nhắc lại những ngày đầu vào nghề, ông chia sẻ: “Lúc mở tiệm, thật ra tương lai không mấy gì sáng sủa, chỉ đủ trang trải được cho cuộc sống gia đình, khó tích lũy được, nhưng thấy phục vụ cho mấy đứa học sinh và bà con nên tôi cố gắng theo”. Nghề nào cũng có những thăng trầm của nó. Ông Sang bùi ngùi: Khó khăn lúc đầu nhiều lắm, từ vật liệu, phụ tùng, đến trách nhiệm gia đình, cơm, áo, gạo, tiền cho con cái học hành…, trong khi ngày làm chỉ được mấy chục ngàn đồng. Quay ngang thì không đành, bỏ dở cũng không xong. Cứ thế bám nghề mà lây lất qua ngày. Lăn lộn với nghề mãi rồi quen việc, quen nghề, khó khăn cũng qua đi, thu nhập ổn định. Ông Sang dần khấm khá, nuôi con ăn học, dành dụm mua được đất ở tận Đồng Nai. Sáu mươi năm đời người, ông Sang và vợ vẫn không ngừng theo đuổi cái nghề mà với ông, không gì thay thế được.

Giờ đây, sửa xe đạp với ông Sang không chỉ là nguồn thu nhập mà trong đó còn có cái tình, sự chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của một số em học sinh trong vùng: “Mình làm nghề phải để lại đức cho con. Có mấy đứa học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi sửa xe dùm chỉ lấy phần tiền phụ tùng, mà lòng thấy vui vì chia sẻ chút gì với cảnh nghèo khó như mình trước đây”.

Ngày ngày, ông làm việc không rảnh tay, không làm xe cho khách thì cũng sửa chữa phụ tùng để tái sử dụng. Dẫu các con đã thành tài, có cuộc sống ổn định, nhưng ông không hề có ý định bỏ nghề, an nhàn.

Nhìn đôi bàn tay còn đậm màu nhớt của ông Sang một lần nữa, chúng tôi nhìn thấy trong ông sự kiên định với nghề, sẽ “bừng cháy và cháy mãi cho đến hết đời” như lời ông nói.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN