Thực hiện như thế nào?

12/03/2010 - 08:28

Bắt tay vào thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tại tỉnh Bến Tre, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bến Tre Nguyễn Minh Lập cho rằng, trước nhất, cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, học đường về nâng cao nhận thức học nghề và những lợi ích cơ bản từ học nghề qua các chính sách khuyến khích của đề án. Đào tạo nghề phải gắn với việc làm. Các cơ sở dạy nghề của Nhà nước phải đảm bảo cho phát triển lao động (đầu tư cơ sở thiết bị, giáo trình, giáo án…). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các sở có liên quan, các đoàn thể, hội đoàn, các địa phương trong tổ chức thực hiện đề án. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các làng nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Cụ thể, người theo học nghề và giáo viên, giảng viên dạy nghề được hưởng các chính sách như sau: Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học, hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người, hỗ trợ tiền đi lại theo vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Tương tự vậy, lao động nông thôn khác được hỗ trợ chi phí với mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học.

Với giáo viên, giảng viên: Giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề thường xuyên phải xuống ấp, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn để dạy nghề với thời gian từ 15 ngày trở lên trong tháng được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung như đối với giáo viên thực hiện công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục thường xuyên phải xuống thôn, bản, phum, sóc.

Người dạy nghề là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề lao động nông thôn được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 25.000 đồng/giờ. Người dạy nghề là các tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 300.000 đồng/buổi…Ngoài ra, với Bến Tre, đề án sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư thiết bị cho các trung tâm dạy nghề công lập huyện được đầu tư giai đoạn 2006-2009 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy nghề. Mức hỗ trợ 3 tỷ đồng/trung tâm. Bên cạnh, Bến Tre cũng dự kiến sẽ thành lập trung tâm dạy nghề đặc trưng của địa phương đặt tại huyện Giồng Trôm.

Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bến Tre Ngô Đức Giảng cho biết: Trong tháng 3-2010, Sở sẽ trình kế hoạch tổ chức, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tại bến Tre để UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trong năm 2010 sẽ đào tạo nghề cho 13.000 lao động tại nông thôn Bến Tre, những năm tiếp theo sẽ từ 13.000  đến 15.000 lao động. Đề án sẽ được triển khai đến các trường, các phòng trực thuộc các UBND huyện. Giao nhiệm vụ cho các cơ sở dạy nghề trong tỉnh, các viên chức có liên quan  tại các huyện, xã. Tiến hành đào tạo đến tận các xã, vùng, tiểu vùng. Thường xuyên giám sát và đánh giá việc thực hiện đề án này tại các địa phương qua từng năm.

Ba Cù Lao

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN