Tìm việc làm sau xuất khẩu lao động

13/07/2018 - 06:51

BDK - Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2007 đến 2017, Bến Tre có gần 5,5 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau khi hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ), trở về nước, nhiều bạn trẻ đều có việc làm và thu nhập ổn định.

Học ngoại ngữ tốt, học hỏi kỹ năng công nghệ của nước sở tại khi XKLĐ để có cơ hội tìm được việc làm tốt khi trở về nước.

Học ngoại ngữ tốt, học hỏi kỹ năng công nghệ của nước sở tại khi XKLĐ để có cơ hội tìm được việc làm tốt khi trở về nước.

Khi lao động tại Nhật, Nguyễn Thị Bông (ngụ huyện Giồng Trôm) làm công việc kiểm tra linh kiện điện tử. Hết hạn hợp đồng trở về nước, Bông được một người bạn gọi vào làm giáo viên dạy tiếng Nhật cho một công ty chuyên đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sau một thời gian, Bông tiếp tục bước sang lĩnh vực thiết kế đường dây điện, dù trước đó cô chưa hề có chuyên môn. “Khi làm việc ở Nhật mình đã suy nghĩ đến việc làm sau khi về nước, mình muốn được tiếp tục làm việc cho công ty Nhật nên tranh thủ thời gian học tiếng Nhật trên mạng” - Nguyễn Thị Bông nói. Và Bông đã lấy thêm bằng tiếng Nhật N4 và N3. Tuy nhiên về chuyên môn, Bông không tiếp tục theo nghề kiểm tra linh kiện điện tử khi về nước do thu nhập thấp hơn so với khi lao động tại Nhật.

Mai Thành Giàu (ngụ huyện Giồng Trôm) xác định ngay từ khi còn làm việc ở Nhật, chỉ có thể đến Nhật một lần trong đời để lao động, nhưng có thể trở qua lần nữa để du học. Thế là Giàu lao vào làm việc để tích lũy vốn đóng học phí, anh ra sức học và lấy bằng N2 trước khi vào đại học. Mai Thành Giàu cho biết, anh muốn ở lại Nhật trong vài năm để làm việc và tích lũy kinh nghiệm trước khi về nước khởi nghiệp trong ngành kiến trúc. Giờ đây, Mai Thành Giàu đang là sinh viên Trường Đại học Seisa Dotoh Daigaku ở Hokkaido, ngành kiến trúc.

 Sau 10 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người dân Bến Tre dần xác định XKLĐ là con đường tốt nhất để thay đổi đời sống của mình. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2007 đến 2017, Bến Tre có gần 5,5 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm đa số với hơn 3,1 ngàn người, kế đến là Hàn Quốc 1,1 ngàn người, Malaysia, Đài Loan… Huyện Ba Tri và Giồng Trôm có số lượng người tham gia XKLĐ cao nhất tỉnh, đến hơn 1 ngàn người.

Số lao động đã về nước tính đến hết tháng 6-2018 là 3.905 người. Qua khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các địa phương, hầu hết các lao động hết hợp đồng XKLĐ về nước đều có việc làm và thu nhập ổn định. Các lao động này trở về nước khởi nghiệp với công việc kinh doanh, làm việc tại các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và một số tiếp tục tham gia XKLĐ ở những thị trường các nước khác.

Ông Mai Hoàng Nhân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre cho biết: Hầu hết nhu cầu tìm việc làm của người lao động sau khi XKLĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre đều giải quyết được hết. Chúng tôi chưa nghe phản ánh trường hợp nào bị thất nghiệp khi trở về nước. Bên cạnh đó, các bạn trẻ trước khi đi XKLĐ nên có tâm thế học ngoại ngữ cho tốt, rèn luyện ý chí quyết tâm để vượt qua khó khăn, học hỏi kỹ năng công nghệ của nước sở tại về áp dụng, các bạn sẽ có cơ hội tìm được việc làm tốt khi trở về nước.

XKLĐ là con đường hữu hiệu để thoát nghèo, tuy nhiên đó chỉ là công việc ngắn hạn. Khi người trẻ sớm định hình được mục đích dài hạn trong tương lai thì việc đi XKLĐ sẽ chắp cánh cho ước mơ có điều kiện trở thành hiện thực.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích