Xã hội hóa vốn vay xuất khẩu lao động

24/01/2018 - 15:51

BDK.VN - Hiện nay, chính sách vay vốn chưa đáp ứng đủ 100% chi phí của người lao động (NLĐ), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ kiến nghị về trên tăng mức vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng cho NLĐ là hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) bằng nhiều nguồn vay chính sách.

Người lao động tham gia tư vấn xuất khẩu lao động tại phiên giao dịch việc làm tháng 12-2017 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ảnh: Thạch ThảoNgười lao động tham gia tư vấn xuất khẩu lao động tại phiên giao dịch việc làm tháng 12-2017 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ảnh: Thạch Thảo

XKLĐ để tích lũy cho tương lai

XKLĐ được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm cho NLĐ, giúp NLĐ có thu nhập ổn định, nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp và từng bước phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2016 - 2017, toàn tỉnh có hơn 3 ngàn NLĐ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thị trường được NLĐ chuộng nhất là Nhật Bản, kế đến là Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Huyện Ba Tri có số người đăng ký đi làm việc ở nước ngoài cao nhất với 1.652 người, ít nhất là huyện Chợ Lách 101 người. Số lao động đã trúng tuyển trong hai năm là 1.436 người, đạt tỷ lệ 130,5%, vượt 30,5% so với kế hoạch (kế hoạch hai năm 2016 - 2017 là 1.100 người). Trong hai năm 2016 - 2017, số lao động đã về nước là 856 người.

Đạt được kết quả trên là do sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu quyết liệt của các địa phương, sự phối hợp tích cực của các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể và nhận thức của NLĐ đã có sự chuyển biến tích cực; thị trường lao động có thu nhập cao, ít rủi ro, thu hút ngày càng nhiều NLĐ tham gia. Các huyện Ba Tri, Giồng Trôm đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu rất nhiều so với kế hoạch đề ra. Một số xã có NLĐ tham gia XKLĐ nhiều là Bình Thành, Bình Hòa, Tân Thanh (Giồng Trôm); An Thủy, Bảo Thuận (Ba Tri) và Thạnh Phước (Bình Đại).

Phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: Qua thu thập thông tin từ số lao động đã xuất cảnh trong hai năm 2016 - 2017, đời sống và thu nhập của NLĐ ổn định. Mức thu nhập bình quân của lao động làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 25 - 30 triệu đồng/người/tháng; lao động làm việc tại Đài Loan có mức thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/người/tháng. Sau khi đã trừ các khoản chi phí cho sinh hoạt, NLĐ có thể tích lũy được từ khoảng 60 - 75% để gửi về gia đình.

Lao động làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam đều tìm việc làm ngay để có thêm thu nhập, một số trường hợp NLĐ sau khi hoàn thành hợp đồng về nước trở thành chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh như: bán thức ăn gia súc, sửa đồ điện, sửa chữa và mua bán điện thoại di động, cửa hàng cơ khí, cơ sở sản xuất thạch dừa… đặc biệt có 2 lao động được thuê làm giám đốc điều hành tại công ty của Nhật Bản về lĩnh vực công nghiệp, chế biến nhựa và gia công khuôn dập kim loại tại Long An và TP. Hồ Chí Minh. Trong hai năm 2016 - 2017, trên địa bàn tỉnh có 38 lao động mẫu mực được sang Hàn Quốc làm việc lần hai và có 15 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được gia hạn hợp đồng.

Quan tâm hỗ trợ chi phí

Thời gian qua, Bến Tre đã triển khai một số chính sách hỗ trợ NLĐ tham gia XKLĐ gồm: chính sách cho vay vốn tham gia XKLĐ, qua đó nguồn ngân sách của tỉnh ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 50 lao động vay vốn, với số tiền là 2,5 tỷ đồng, mức vay bình quân là 50 triệu đồng/NLĐ. Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay theo Chương trình thoát nghèo bền vững thông qua con đường XKLĐ là 43 hộ, với số tiền trên 4 tỷ đồng, chủ yếu tham gia ở thị trường Nhật Bản. Lũy kế từ trước đến nay đã cho vay 83 hộ, với số tiền là 7,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong hai năm 2016 - 2017, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đồng Khởi đã thực hiện cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 170 lao động, với tổng số tiền vay hơn 33 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho vay tham gia lao động ở thị trường Nhật Bản.

Người lao động tham gia tư vấn xuất khẩu lao động tại phiên giao dịch việc làm tháng 12-2017 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ảnh: Thạch Thảo

Người lao động Bến Tre chuẩn bị xuất cảnh tham gia XKLĐ ở Nhật Bản.  Ảnh: TTDVVL

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng triển khai và thực hiện việc hỗ trợ chi phí cho NLĐ tham gia XKLĐ thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, NLĐ thuộc diện mồ côi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 25 người, với số tiền hỗ trợ là 252,78 triệu đồng, bình quân mỗi NLĐ tham gia xuất khẩu được hỗ trợ khoảng 12 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, NLĐ giảm bớt một phần chi phí, cũng như giảm bớt khó khăn khi tham gia XKLĐ.

Hiện, số lượng lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, thân nhân người có công với cách mạng và lao động thuộc diện mồ côi tham gia XKLĐ còn khá ít. Theo ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn vốn của tỉnh cho NLĐ vay XKLĐ khoảng 10 tỷ đồng, bao gồm vốn đã cho vay năm 2017 là 2,5 tỷ đồng, vốn thu hồi và luân chuyển, được biết đầu năm 2018, ngân sách tỉnh sẽ tiếp tục phân bổ thêm. Ngoài ra, các doanh nghiệp XKLĐ hiện vẫn cho NLĐ vay nếu NLĐ có tâm huyết học cho tốt. Do đó, vốn vay XKLĐ cần phải được xã hội hóa. Với vai trò là cơ quan chủ trì công tác XKLĐ, sở sẽ kiến nghị về trên tăng mức vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng cho NLĐ là hộ nghèo tham gia XKLĐ bằng nhiều nguồn vay chính sách. 

Năm 2018, Bến Tre sẽ đưa 800 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai thị trường có thu nhập cao và việc làm tương đối ổn định, phù hợp với lao động của tỉnh.

T.Thảo

T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN