Xuân về trên những làng nghề

04/01/2012 - 08:02
Kiểng tắc Cái Mơn.

Dưới cái nắng dìu dịu và khí trời trong mát của mùa xuân, tôi đến thăm xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) - nơi được nhiều người biết đến và vinh danh là vương quốc cây trái, hoa kiểng. Hàng năm, người dân nơi đây sản xuất trên 900 ngàn hoa kiểng, cây giống các loại như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, sầu riêng… tiêu thụ trong và ngoài nước, mang về nguồn thu nhập khá cao.

Xã có 11 ấp, tất cả đã được công nhận làng nghề và hợp tác xã cây giống hoa kiểng Cái Mơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Hơn 16 năm qua, hợp tác xã luôn giữ uy tín cho thương hiệu Cái Mơn. Ông Dương Văn Huyền, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết “bí quyết”: Mỗi xã viên đều có sổ nhật ký về qui trình sản xuất, chăm sóc và sổ quản lý tem nhãn hàng. Sau đó, tổ kỹ thuật của hợp tác xã kiểm tra lại, theo dõi cây đủ chuẩn mới gắn tem. Những việc làm này tạo điều kiện cho xã viên bán hàng dễ dàng, đúng giống, đảm bảo chất lượng. Nhờ cách làm việc khoa học, hiệu quả, hợp tác xã thu hút ngày càng nhiều xã viên (hiện có 183 xã viên), và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

 

Cúc mâm xôi chuẩn bị chợ Tết.

 

Kiểng bông Vĩnh Thành.

 

Rời hợp tác xã, tôi đến thăm các làng nghề hoa kiểng. Trên khắp nẻo đường, nơi nào cũng rực rỡ sắc hoa, kiểng. Tôi có dịp gặp anh Nguyễn Văn Nho (ấp Vĩnh Phú), anh Lê Tấn Thành (ấp Vĩnh Chính), chị Nguyễn Ngọc Phương Thu (ấp Vĩnh Hưng)… Có đến tận nơi mới thấu hiểu sự công phu, cần mẫn của những người sản xuất hoa kiểng. Những sản phẩm của họ tạo ra đều có vẻ đẹp khác nhau và mang tính thẩm mỹ cao, làm say đắm lòng người. Anh Thành chia sẻ, đã là “nghiệp” nên phải theo, còn chuyện lời lỗ là do thị trường. Khi tôi đến, anh Thành đã chuẩn bị 500 chậu mai lớn nhỏ để bán trong dịp Tết. Còn chị Thu là nghệ nhân chuyên trồng kiểng bông và kiểng lá. Trước sân nhà chị có trên 2 ngàn chậu kiểng đủ cỡ, trong đó có hàng trăm loại kiểng ngoại nhập, giá từ 40 ngàn đến 500 ngàn đồng/chậu. Năm nay, chị Thu sẽ chở một chuyến hoa kiểng sang Trà Vinh để bán phục vụ Tết Nguyên đán. Tạm biệt vùng đất trù phú, nhưng tôi vẫn còn ấn tượng với lời “bật mí” của anh Nho. Nhờ có kinh nghiệm, năm 2011, gia đình anh đã thu được 350 triệu đồng từ cây mai vàng. Còn năm nay, anh đã có trong tay 1.500 chậu mai vàng bán Tết.

Tết đến, trang trí cây cảnh trong nhà cho thêm màu xanh thiên nhiên, màu vàng của mai cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp của mùa xuân tươi vui, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Nguyễn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN