Sau khi có Chỉ thị 24 của Chính phủ (với tinh thần cơ bản là công tác huy động vốn nhân dân đóng góp phải bảo đảm tính tự giác, không giao chỉ tiêu một cách áp đặt), phong trào xây dựng giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" ở nhiều địa phương bị chựng lại. Tuy nhiên, một số nơi biết phát huy tinh thần tự nguyện của nhân dân, kết quả huy động vốn và phong trào xây dựng giao thông nông thôn vẫn được duy trì và phát triển mà xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre là một trong những mô hình.
Năm 2008, xã Phú Hưng tập trung thực hiện phương thức "nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" nghĩa là các công trình giao thông nông thôn do chính quyền, nhân dân ở ấp cử đại diện đứng ra huy động vốn của các hộ trong địa bàn và quản lý thực hiện. Sau khi công trình hoàn thành, ngân sách của Thị xã, sẽ hỗ trợ theo qui mô công trình. Kết quả năm 2008, xã Phú Hưng đã thi công 8 công trình, trong đó có 5 con đường, kinh phí nhân dân đóng góp trên 86 triệu đồng và 3 cây cầu bê-tông dài 40 mét, nhân dân góp 30 triệu đồng; ngân sách Thành phố thưởng 16 triệu đồng. Ngoài ra, nhân dân trong xã còn hiến đất đai, hoa màu trị giá 80 triệu đồng để làm các công trình giao thông. Sang năm 2009, xã Phú Hưng tiếp tục thi công 14 công trình từ năm 2008 chuyển sang với tổng số vốn đầu tư trên 660 triệu đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 228 triệu đồng, ngân sách xã hỗ trợ 143 triệu đồng, ngân sách thành phố Bến Tre hỗ trợ 287 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn thực hiện 11 công trình theo kế hoạch của năm 2009, đến nay đã hoàn thành 8 công trình, đang thi công 3 công trình với tổng vốn đầu tư trên 777 triệu đồng, trong đó nhân dân góp trên 263 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính riêng năm 2009 (đến cuối năm), tổng số vốn đầu tư cho giao thông nông thôn ở Phú Hưng ước đạt trên 1,4 tỉ đồng. Đến cuối tháng 9, nhân dân đã đóng góp 450 triệu đồng, đạt 91% kế hoạch của năm 2009.
Trong lãnh đạo xây dựng giao thông nông thôn, Đảng ủy Phú Hưng quan tâm tạo sự thống nhất nhận thức từ trong hệ thống chính trị ra ngoài nhân dân; làm cho mọi người hiểu xây dựng giao thông nông thôn là điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh trật tự và nâng cao đời sống nhân dân để từ đó mà quyết tâm thực hiện. Các ban ngành, đoàn thể của xã, ấp đưa công tác xây dựng giao thông nông thôn vào chương trình công tác hàng tháng, hàng quí. Mỗi đoàn thể đăng ký thực hiện công trình và phối hợp vận động nhân dân mang tính dân chủ, thuyết phục. Năm 2008, 2009, Hội Cựu chiến binh xã thực hiện xong 2 công trình, Hội Nông dân đăng ký thực hiện công trình lộ Triền đồng ấp Phú Dân dài 1.000 mét, Hội Phụ nữ xã đăng ký thực hiện 2 công trình. Trong chương trình công tác hàng tháng, Đảng ủy Phú Hưng đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng giao thông nông thôn, xác định rõ trách nhiệm của UBND xã và các đồng chí bí thư chi bộ ấp phải tập trung cho công tác này, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Mọi khó khăn vướng mắc đều được tháo gỡ, không để công trình bị chậm trễ. Đảng ủy, HĐND xã thường xuyên kiểm tra giám sát, nhắc nhở, góp ý, thúc đẩy tiến độ thực hiện các công trình. Trong quản lý, chính quyền xã, ấp biết linh động, linh hoạt. Công trình nào nhân dân đồng tình và đảm bảo thủ tục, kinh phí đều được triển khai ngay. Chính quyền, đoàn thể tích cực vận động các doanh nghiệp có công trình đi qua đóng góp tạo nguồn thu đáng kể, do đó giảm mức độ đóng góp của nhân dân, phù hợp với khả năng từng hộ và mang tính tự nguyện. Rất ít trường hợp bị nợ tiền đóng góp xây dựng giao thông nông thôn.
Năm 2010, Đảng ủy xã Phú Hưng dự kiến đề ra chỉ tiêu xây dựng từ 10 đến 12 công trình giao thông nông thôn theo phương châm "nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ" trong đó quyết tâm hoàn thành đoạn còn lại của đường vành đai ấp Phú Hào có tổng chiều dài 2.300 mét (đã thi công được 1.000 mét).