
Đồng chí Hồ Thị Hoàng Yến trình bày tham luận tại đại hội. Ảnh: CTV
Sau Đại hội (ĐH) Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết (NQ) thành 113 đầu việc và ban hành NQ số 02 xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm, xuyên suốt của các cấp ủy trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với tinh thần “Đồng khởi mới”; toàn Đảng bộ với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đã tạo sự chuyển biến rõ nét qua xác định chủ đề từng năm: từ “Khởi động” đến “Hành động”, “Tăng tốc”, “Tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá” và “Bứt phá về đích” gắn với phương châm “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới” đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng cũng như đạt các chỉ tiêu NQ đề ra mà báo cáo chính trị đánh giá.
Công tác chính trị tư tưởng của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực; thể hiện tư tưởng tiến công, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần NQ Trung ương 4 khóa XI, khóa XII được thường xuyên thực hiện và nâng chất. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đổi mới phong cách, phương pháp làm việc đạt hiệu quả cao, vai trò của người đứng đầu được thể hiện rõ hơn, sát người, sát việc; phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” được sự đồng thuận cao và phát huy hiệu quả.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh theo NQ Trung ương 6, khóa XII gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế đạt nhiều kết quả tích cực; tổ chức bộ máy từng bước được tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn; chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được củng cố và nâng chất; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có nhiều chuyển biến. Hoạt động của hệ thống chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được quan tâm củng cố và hoạt động có hiệu quả, hiệu lực và phù hợp với thực tiễn.
Các giải pháp về nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, kết nạp đảng viên mới; công tác quản lý, rà soát, sàng lọc và đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, bước đầu đạt kết quả tốt, tạo sự đồng thuận trong nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm mang lại hiệu quả thiết thực; công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác cải cách tư pháp, ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực...
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, chúng ta cần phải quán triệt nghiêm túc, sâu sắc và toàn diện về những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thời gian qua; bám sát phương châm “Dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, sáng tạo, phát triển”, ngoài những giải pháp nêu trong báo cáo chính trị, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể như sau:
1. Làm tốt công tác chính trị nhằm nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Nâng cao văn hóa chính trị trong Đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng; dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương tạo sự đồng thuận trong nội bộ Đảng và nhân dân.
2. Đổi mới công tác tư tưởng theo hướng thuyết phục, hiệu quả, bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính chiến đấu, tính thực tiễn và kịp thời. Dự báo sát và chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời định hướng tư tưởng cho đảng viên trong sinh hoạt chi bộ. Gắn “xây” với “chống”, lấy “xây” làm chính: xây dựng tư tưởng tiến công, tích cực đẩy lùi tư tưởng ngại khó, thiếu trách nhiệm, bảo thủ, an phận, nói không đi đôi với làm trong cán bộ, đảng viên.
3. Kiên trì, kiên quyết thực hiện NQ Trung ương 4 khóa XI, NQ Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức trong sáng; tiên phong, gương mẫu, yêu nước, ý chí, khát vọng vươn lên, tâm huyết; có trách nhiệm vì việc chung của dân, của Đảng; thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”.
4. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng phù hợp với sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy, chi bộ. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, cụ thể; đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt chi bộ, chuyên đề; đưa nội dung thực hiện NQ Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII vào trong sinh hoạt lệ kỳ của chi bộ; những chi bộ có đông đảng viên, phải tổ chức sinh hoạt theo tổ đảng trước khi sinh hoạt chi bộ; quy định thời gian sinh hoạt cụ thể, phù hợp theo từng loại hình chi bộ; định kỳ 6 tháng một lần, cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng thông báo kết quả thực hiện của các chi bộ trong toàn đảng bộ; xây dựng Bí thư chi bộ khu dân cư có nhiệt huyết cách mạng, gương mẫu, biết làm giàu cho mình và có khả năng lãnh đạo, tập hợp, vận động nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, công tác kết nạp đảng viên mới và sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên tại chi bộ; làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, làm rõ đúng sai tại chi bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp cho đảng viên; lãnh đạo triển khai rộng khắp chủ trương xây dựng chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu ở cấp xã; hàng năm chi bộ, đảng viên đăng ký công việc và cam kết với cấp ủy và cấp trên về kết quả thực hiện, để làm cơ sở đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ; cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi tổ chức cơ sở đảng nơi mình sinh hoạt còn yếu kém; thực hiện tốt Quy định số 213 về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ vớ tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.
5. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu từ tỉnh đến cơ sở đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, bảo đảm chất lượng, vững vàng về chính trị, có đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng cán bộ trẻ, nữ, tạo môi trường, điều kiện khuyến khích, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng vấn đề chính trị hiện nay. Thực hiện tốt việc nêu gương người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể, cán bộ chủ chốt cấp trên phải được luân chuyển, điều động giữ chức vụ chủ chốt ở cấp dưới để rèn luyện thực tiễn ở các địa bàn, lĩnh vực khác nhau; thực hiện chủ trương người đứng đầu cấp ủy, UBND và một số chức danh, vị trí chủ chốt cấp huyện, xã không phải là người địa phương.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, các quy định, nguyên tắc của Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tiêu cực; chủ động nắm tình hình, có giải pháp phòng ngừa, sớm phát hiện vi phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm; hạn chế thấp nhất cấp ủy viên các cấp vi phạm bị xử lý kỷ luật và tình trạng đảng viên vi phạm đến mức khai trừ ra khỏi Đảng.
7. Tập trung hướng về cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân tham gia vào các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ làm công tác chính quyền phải thật sự “Gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”; phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải có mô hình và sản phẩm cụ thể, rõ ràng, thực tế; không để phát sinh điểm nóng, bị động, bất ngờ; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện tốt việc giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ và đảng viên theo Quy định số 124 của Ban Bí thư.
8. Làm tốt công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao, mạnh mẽ và hiệu quả. Giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí. Chú trọng phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tham nhũng, lãng phí; quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh gây phiền hà cho người dân.
9. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định, ban hành Nghị quyết của cấp ủy; khắc phục tình trạng khi cụ thể hóa các NQ, chủ trương của Đảng, Nhà nước cấp trên thành các NQ, chủ trương của cấp mình không sát thực tế, thiếu tính khả thi; chú trọng khâu tổ chức triển khai thực hiện phải đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, nhanh chóng đưa NQ đi vào cuộc sống và từ kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện NQ; kiên quyết khắc phục tình trạng NQ, chủ trương trúng, đúng nhưng triển khai thực hiện không đạt hiệu quả và kết quả thấp.
Tiếp tục thực hiện phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ địa bàn đi vào chiều sâu để lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời cho cơ sở tổ chức thực hiện NQ phù hợp với thực tế theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”. Khi đi cơ sở, cán bộ được phân công cần nắm tổ chức, nắm con người, nắm quy chế và nắm NQ ở nơi mình theo dõi để tham gia góp ý và phản ánh những vấn đề phát sinh ở cơ sở đến các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời kiểm tra tình hình, mức độ chuyển biến của địa bàn trong thực hiện NQ của cấp ủy.