|
Nghề may ở xã Tân Phú (Châu Thành) - nhóm hợp tác được đầu tư theo hình thức công tư. |
Bình quân hộ nghèo giảm 2,67%/năm là kết quả đạt được của 6 xã tham gia Dự án DBRP ở Châu Thành (gồm Tân Thạch, Tiên Thủy, Tiên Long, Tân Phú, Quới Thành và Phú Đức). Ông Nguyễn Tống Nê - Trưởng Văn phòng Dự án huyện cho biết, qua gần 3 năm triển khai các hoạt động của Dự án, các xã được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống, đặc biệt là với hộ nghèo.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư hạ tầng nông thôn, tăng cường năng lực của người dân và cán bộ quản lý trong tiếp cận thị trường là những hoạt động được tập trung ở Châu Thành. Kế hoạch giảm nghèo của các xã Dự án bắt đầu bằng kế hoạch giảm nghèo. Hàng năm, Văn phòng Dự án huyện hướng dẫn các xã tổ chức họp mặt hộ nghèo để thảo luận các mô hình ưu tiên giúp giảm nghèo. “Cũng qua các cuộc họp mặt này, các ban phát triển xã và ban chỉ đạo giảm nghèo nắm bắt được tâm tư, nguyên vọng và nhu cầu hộ nghèo nên đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể theo nhu cầu từng nhóm hộ nghèo” - ông Nguyễn Tống Nê cho biết.
Đồng thời với việc họp mặt người nghèo, những năm gần đây, các xã cũng bắt đầu thực hiện việc lập kế hoạch kinh tế - xã hội (KT-XH) hàng năm theo định hướng thị trường có sự tham gia của cộng đồng. Ông Võ Hoàng Bá - Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết việc xây dựng kế hoạch KT-XH theo phương pháp mới này đã phát huy được tính dân chủ trong nhân dân. Các chỉ tiêu kế hoạch đều được nhân dân thảo luận và đề xuất nên kế hoạch mang tính khả thi cao. Không còn những kế hoạch chung chung, thay vào đó là những công trình, phần việc cụ thể và đặc biệt là có sự tham gia góp ý của người dân, của đoàn thể nên việc triển khai thực hiện rất thuận lợi.
Chuỗi giá trị ngắn cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở mỗi xã cũng ra đời từ việc xây dựng kế hoạch KT-XH này. Châu Thành đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh được thành lập và phát triển khá tốt. Mô hình trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình may giỏ nhựa ở xã Tiên Long, mô hình may gia công ở xã Tân Phú, may túi xách tự hoại ở xã Quới Thành là những minh chứng. Chị Nguyễn Thị Định - Tổ trưởng Tổ đan giỏ nhựa Tiên Long cho biết, vừa làm việc nhà, vừa tranh thủ làm thêm, tích lũy tiền để nuôi heo, nuôi gà vịt là cách làm của chị em ở đây. Chị Định cho biết, trong số trên 30 thành viên của nhóm hiện có một số chị đã thoát nghèo. Trong năm 2012 này, Châu Thành cũng có mô hình đầu tiên (nhóm may Tân Phú) được Ban Quản lý Dự án tỉnh đầu tư theo hướng hợp tác công tư. Đây là một trong những nhóm thí điểm của tỉnh và đang được đánh giá có hướng phát triển tốt.
Việc phát triển chuỗi giá trị ngắn ở mỗi xã của Châu Thành còn được gắn kết với nâng cao năng lực cho người dân, thông qua các lớp tập huấn, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật và những chuyến tham quan mô hình thực tế. Từ khi triển khai Dự án đến nay, Châu Thành đã tổ chức 73 hoạt động, có 2.580 người tham gia. Theo khảo sát của các xã, hiện có 1.853 người trong số này (72%) áp dụng kiến thức và kinh nghiệm vào sản xuất.
Cũng như các xã Dự án khác trong toàn tỉnh, việc đầu tư cơ sở hạ tầng được Châu Thành chú trọng theo hướng đáp ứng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng nông sản, giảm chi phí vận chuyển, nâng giá trị sản phẩm; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, học hành thuận tiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. 11 tỷ đồng quỹ CIF được phân bổ để các xã Dự án của Châu Thành thực hiện các công trình này. Theo ông Nguyễn Tống Nê, đến nay, 6 xã Dự án có 29 công trình hạ tầng nông thôn được thực hiện (giao thông nông thôn, chợ, đê bao…).
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục, nhưng Châu Thành đang quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở các xã Dự án. Kết nối doanh nghiệp, tập huấn nâng cao năng lực của doanh nghiệp, nhóm hợp tác, người dân và năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý từ huyện đến xã là những hoạt động được đặt ra ở Châu Thành từ nay đến khi kết thúc Dự án (2014). Bởi mục tiêu cuối cùng của Dự án DBRP là xây dựng nền tảng, hình thành điểm khởi đầu cho sự vươn lên làm giàu của người nghèo ở Bến Tre.