Xây dựng lại hình ảnh một nước Nga hùng mạnh

29/07/2009 - 09:18

Nga đang xây dựng một đất nước hiện đại, phát triển, có khả năng cạnh tranh, biết kiềm chế nhưng có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế" - Tuyên bố của Tổng thống Nga Medvedev mới đây gây sự chú ý đặc biệt

Tuyên bố nói trên thể hiện mục tiêu khôi phục lại hình ảnh một nước Nga hùng mạnh một cách thực chất để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và quan hệ thân thiện với các nước.

Không quá to tát hay quảng bá rầm rộ, tuyên bố của Tổng thống Nga Medvedev chỉ được đưa ra trong một bài trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NTV, nhưng đây là một bài phát biểu quan trọng bao quát chính sách của nước Nga cả về đối nội và đối ngoại.

Về cơ bản, không có sự thay đổi lớn nào, chỉ có điều ông Medvedev nêu ra một hướng đi chắc chắn để xây dựng lại hình ảnh một nước Nga hùng mạnh và thân thiện. Đáng chú ý, tất cả toát lên một "sự thực chất" rất rõ ràng!

Về đối nội, ông Medvedev khẳng định: "một nước Nga hùng mạnh không phải để "phô trương cơ bắp", mà quan trọng là để tạo điều kiện sinh sống và phát triển thuận lợi cho người dân." 

Về đối ngoại, theo ông Medvedev, nước Nga cần phải có khả năng đáp trả mạnh mẽ, thậm chí rất mạnh mẽ, nhưng chỉ trong trường hợp lợi ích của người dân Nga bị đe dọa, còn trong những trường hợp khác, nước Nga cần phải là một đối tác vững chắc, có thể tin cậy đối với các quốc gia láng giềng.

Cùng với tuyên bố của Tổng thống Medvedev, những hành động cụ thể của Nga thời gian gần đây đã thể hiện rõ hướng đi này.

Trước hết đó là việc Nga "khởi động" lại quan hệ với Mỹ mới đây, theo đó, dù còn nhiều bất đồng trong vấn đề này, vấn đề kia, Nga vẫn sẵn sàng hợp tác với Mỹ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, hay trong các vấn đề quan tâm chung như chống khủng bố ở Afghanistan.

Một ví dụ cụ thể khác cũng là vấn đề đang nóng trong quan hệ đối ngoại của Nga, Tổng thống Medvedev tuyên bố nước Mỹ không cần phải đánh đổi mối quan hệ với Ukraine và Gruzia để cải thiện quan hệ với Nga. Nhưng quan điểm của Nga không thay đổi là phản đối mạnh mẽ việc NATO kết nạp hai quốc gia này, mở rộng về phía Đông, đe doạ đến an ninh của Nga. Nga cũng giảm bớt các tuyên bố cứng rắn đối với Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu mà đơn giản là để ngỏ khả năng thiết lập một hệ thống riêng có thể là ở cực Tây của Nga nếu thấy cần phải đối phó để bảo vệ an ninh cho nước Nga.

Phải nói rằng ở vào thời điểm này, thế giới đã sẵn sàng cho một sự trỗi dậy trở lại của nước Nga. Bởi một lẽ giản đơn là chính sức mạnh nội tại đã giúp nước Nga có thể tự tin khẳng định mình. Đã đến lúc Nga cần chứng tỏ rằng "một nước Nga vững mạnh- một đối tác tốt" chính là sức hút tự nhiên với các nước khác. Các nước thúc đẩy quan hệ với Nga vì thấy họ có thể lợi ích ở đó chứ không phải trên hệ tư tưởng cũ thời chiến tranh lạnh là hoặc theo Mỹ và phương Tây, hoặc theo Nga.

Dĩ nhiên, nước Nga cũng có những phương án cụ thể để có thể phát huy nội lực. Bên cạnh tiềm lực về dầu khí, tuần trước, Tổng thống Medvedev tuyên bố Nga cần giữ vai trò quan trọng về nguồn năng lượng nguyên tử thế giới và có thể chiếm 1/4 thị trường thế giới trong lĩnh vực này. Nga cũng thể hiện sức mạnh quân sự to lớn của mình qua hoạt động độc lập của các tàu quân sự Nga trong chiến dịch chống hải tặc, quyết không chịu sự chỉ huy của NATO hay EU tại khu vực đó.

Hướng đi mới của nước Nga hoàn toàn phù hợp với bối cảnh mới khi chính nước Mỹ cũng đang lựa chọn cho mình một chính sách đối ngoại rất "thực dụng". Rõ ràng việc Tổng thống Obama bắt tay với Nga cho thấy nước Mỹ cần có Nga trong nhiều vấn đề và do đó, vì lợi ích của Mỹ, Washington sẵn sàng lơ là các mối quan hệ mà trước đó tưởng như là "đồng minh" tuyệt đối. Chính vì vậy đã xảy ra chuyện chưa từng có tiền lệ là mới đây, một nhóm các nhà cựu lãnh đạo một số nước thuộc Đông Âu và Liên Xô trước đây, như Balan, Czech, Litva ký vào bức thư ngỏ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama đừng quên các lợi ích chiến lược của khu vực này trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là quan hệ với Nga. Từ đây, cũng cho thấy rằng, bản thân các nước thuộc tầm ảnh hưởng của Liên Xô cũ hiện đang là mục tiêu lôi kéo của phương Tây, cần xác định rõ hướng đi của họ, tránh để bị "mắc kẹt" trong việc ứng xử ra sao với Mỹ và Nga.

"Hữu xạ tự nhiên hương"! Nước Nga đang chủ trương thúc đẩy sức mạnh nội lực để xây dựng lại hình ảnh cho mình, trong mắt người dân, trong các mối quan hệ đối ngoại cũng như trên trường quốc tế./.

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích