Xây dựng mô hình cấp nước sinh hoạt hộ gia đình phục vụ xã nông thôn mới Châu Bình

04/06/2013 - 16:46
Mô hình xử lý nước sinh hoạt của hộ gia đình BT03. Ảnh: tư liệu.

Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Dự án Hỗ trợ mô hình cấp nước sinh hoạt hộ gia đình tại xã Châu Bình (Giồng Trôm). Đây là Dự án thuộc chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, từ tháng 5-2011 đến tháng 2-2012.

Dự án được triển khai tại xã Châu Bình, là một trong 5 xã điểm của tỉnh xây dựng nông thôn mới hoàn thành năm 2013. Hiện xã đã có nhà máy nước phục vụ cho người dân ấp 2, ấp 5, công suất 5m3/h nên chỉ có khả năng cung cấp cho khoảng 83 hộ dân trong vùng. Các hộ còn lại phải sử dụng nước sông, rạch, ao, mương vườn qua đánh phèn làm trong, không đảm bảo vệ sinh. Toàn xã hiện có 83 hộ sử dụng nước máy, 650 hộ sử dụng nước mưa, 3.108 hộ sử dụng nước sông. Vì vậy, nước sạch đang là vấn đề rất bức xúc đối với người dân trong nhiều năm qua và cũng là điều trăn trở của chính quyền địa phương. Đặc biệt, khu vực ấp (điểm nông thôn mới) Bình Xuân không có hệ thống thoát nước. Nước thải sinh hoạt, chăn nuôi được thải trực tiếp ra sông rạch; vào mùa mưa, nước cuốn tất cả các chất thải tràn ra môi trường công cộng rất dơ bẩn. Hiện trong xã chỉ có 436 hộ (chiếm 19%) sử dụng hố xí tự hoại; còn lại 1.883 hộ (chiếm 81%) sử dụng cầu cá.

Năm 2006, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã thí điểm lắp đặt tại ấp 20 mô hình nước sinh hoạt hộ gia đình. Sau khi triển khai, nhiều hộ dân đồng thuận cao và tham gia tích cực. Từ đó, Dự án Nhân rộng mô hình cấp nước sinh hoạt hộ gia đình được triển khai lắp thêm 60 bộ lọc nước cho 60 hộ dân. Phương thức triển khai là Dự án hỗ trợ 30% chi phí từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, còn lại 70% vốn từ các hộ dân. Trong đó, Dự án hỗ trợ 65,304 triệu đồng, vốn hộ dân đối ứng 152,376 triệu đồng. Tổng giá thành lắp đặt một bộ lọc nước là 3.628.000 đồng, Dự án hỗ trợ 1,008 triệu đồng. Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo thuận lợi nhất cho người dân vay vốn khi tham gia Dự án. Nguồn vốn cho vay với lãi suất 0,9%, mỗi hộ được vay tối đa 4 triệu đồng, 100% hộ tham gia Dự án đều vay vốn. Sau khi triển khai, Ban quản lý Dự án xúc tiến lắp ráp trong vòng 1 tháng hoàn thành toàn bộ 60 thiết bị BT03 và vận hành thành công. Ban quản lý cũng tiến hành kiểm tra mẫu nước, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Bước đầu đánh giá nước đạt qui chuẩn Việt Nam: 02/2009 - Bộ Y tế, chi phí giá thành thực tế khoảng 4.087 đồng/m3. Chất lượng nước được hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt kết quả tốt. Dự án cũng đã đào tạo 2 kỹ thuật viên lắp đặt, vận hành thành thạo hệ thống xử lý và có khả năng sửa chữa, bảo trì sau khi Dự án kết thúc; tổ chức 2 lớp tập huấn tại nhà dân với 120 người tham gia, giúp người dân nâng cao ý thức hơn trong sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên nước.

Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án, chương trình đã đem lại hiệu quả khá tốt cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Khi có nước sạch, môi trường sống hợp vệ sinh hơn, hạn chế tình trạng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh có liên quan đến môi trường nước và vệ sinh (tiêu chảy, thương hàn, sốt rét). Giá nước Dự án chỉ có 4.807 đồng/m3, trong khi giá nước được cấp từ hệ thống thủy cục tới 8.000 đồng đến 10.000 đồng theo giá của các nhà máy nước nông thôn. Đặc biệt, Dự án đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức và sử dụng nước sạch của người dân nông thôn; hạn chế số hộ dân sử dụng nước bẩn; khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn  nước.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích