Sách là tấm gương phản chiếu cuộc sống xã hội thực tiễn. Sách có thể giúp con người bổ sung thêm kinh nghiệm cuộc sống cá nhân, hiểu biết thêm nhiều điều hay lẽ phải. Quá trình đọc sách là một hoạt động rất phức tạp của con người và hoạt động này diễn ra với sự tham gia của nhiều quá trình tâm lý như: cảm giác, tri giác, chú ý, tưởng tượng, ghi nhớ, tư duy...
Chịu sự ảnh hưởng của các quá trình tâm lý trên, cộng với kinh nghiệm xã hội được tích lũy trong cuộc sống, nhân cách con người ít nhiều bị thay đổi, ở cả hai mặt lượng và chất. Nhân cách con người bao gồm hai mặt đức và tài. Đọc sách có thể giúp con người sống tích cực hơn - xét về mặt đức; giúp con người trau dồi tri thức, nâng cao năng lực, phát huy khả năng để thực hiện những ước vọng cao đẹp của mình - xét về mặt tài.
Trẻ em là đối tượng đang hình thành và phát triển nhân cách, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh. Vì thế, để trẻ em phát triển toàn diện theo chiều hướng tích cực, nếu chỉ được giáo dục trong môi trường gia đình, nhà trường thôi thì chưa đủ, mà cần được giáo dục trong môi trường xã hội thông qua việc khai thác triệt để lợi ích to lớn của sách. Đây chính là mấu chốt trả lời cho câu hỏi “tại sao các chuyên gia tâm lý, giáo dục luôn khuyến khích trẻ em đọc sách, phải xem sách như người bạn thân thiết của mình” và đồng thời nhắc nhở các bậc phụ huynh nên tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tiếp cận với sách, thường xuyên đọc sách. Nói đến vai trò của sách đối với trẻ em, một phụ huynh chia sẻ: “Theo tôi, sách rất có ích cho trẻ em. Đây là môi trường giáo dục đặc biệt mà trẻ em cần phải được tiếp cận. Trường học chỉ là nơi dạy cho các em kiến thức cơ bản, còn gia đình dạy cho các em biết cách đối nhân xử thế, yêu thương cha mẹ, quý trọng ông bà... nhưng sách thì có thể dạy cho các em mọi thứ bởi sách là kho tàng tri thức vô tận”.
Khác với người lớn, trẻ em vốn rất hiếu động, vì thế để các em đến với sách thật sự là không dễ. Vì vậy, “làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho con” vẫn là câu hỏi của không ít phụ huynh. Qua thời gian dài nỗ lực, nhiều phụ huynh đã tìm ra con đường đưa trẻ đến gần với sách. Chị Mỹ Xuân (phường 2, thành phố Bến Tre) cho biết: Trước tiên, tôi giải thích cho con hiểu tầm quan trọng của sách và lợi ích của việc đọc sách. Sau đó, ngày nào vợ chồng tôi cũng đọc sách để cháu nhìn và bắt chước theo. Có đứa con gái 6 tuổi, chị Trần Thị Chuyền (phường Phú Tân, thành phố Bến Tre) cũng muốn tạo cho con niềm ham mê đọc sách. Chị nói: Để con ham mê đọc sách, trước tiên tôi tạo sự hứng thú trong nghe đọc sách. Tôi thường đọc sách cho cháu nghe trước khi cháu ngủ. Tôi đọc rất diễn cảm, giống như kể chuyện vậy, vừa là để thu hút sự chú ý của cháu, vừa giúp cho cháu cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong cuốn sách mình đọc, từ đó mà ham thích đọc sách hơn.
Không ai phủ nhận sách rất có ích cho trẻ em, góp phần rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên điều này hoàn toàn xa lạ nếu như trẻ đọc nhầm những cuốn sách mang nội dung tiêu cực. Như chúng ta biết, trẻ em thật sự chưa đủ nhận thức để phân biệt thế nào là “sách tốt”, thế nào là “sách xấu”. Vì vậy, không ai khác ngoài cha mẹ và thầy cô giáo có trách nhiệm định hướng cho các em trong việc chọn sách để đọc, nhất là khi thị trường sách ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại với nội dung tích cực, tiêu cực lẫn lộn.
* * *
Có thể nói, đọc sách là một hoạt động hữu ích, giúp trẻ thu thập thêm kiến thức, mở rộng sự hiểu biết về những gì đang xảy ra của nhân loại, góp phần rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Vì vậy, gia đình, cha mẹ cần song hành với con của mình trên con đường tìm đến sách. Muốn làm được điều đó, trước tiên cha mẹ cần tạo điều kiện thuận lợi cho con hình thành thói quen ham mê đọc sách, xem sách như người bạn thân thiết của mình.