Xây nền nông nghiệp giá trị cao, Việt Nam khó với?

11/12/2007 - 21:42

Báo cáo phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm nay (11/12) thực sự gợi mở cho nhà chức trách Việt Nam về việc ra quyết sách phát triển nông nghiệp thời kỳ hội nhập. Song, còn quá nhiều lực cản làm chậm quá trình phát triển nền nông nghiệp giá trị cao ở Việt Nam.

Với tựa đề “Tăng cường nông nghiệp cho phát triển", báo cáo phát triển thế giới năm 2008 của WB dày hơn 500 trang, được ông Derek Byerlee - chủ biên - trình bày ngắn gọn trong chưa đầy nửa tiếng. Ông diễn giải báo cáo từ góc nhìn của Đông Á và Đông Nam Á, đặc biệt là các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang đô thị hoá như Việt Nam.

Muốn thoát nghèo, vẫn phải gắn với nông nghiệp

Ở đây, WB cho rằng, nông nghiệp vẫn được coi là yếu tố quan trọng trong việc xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân. Đã có 200 triệu người thoát nghèo nhờ nghề nông. 75% người nghèo sống ở nông thôn và đa số sẽ tiếp tục sinh sống ở nông thôn đến năm 2040. Việc di dân ra thành thị cũng là nguyên nhân chiếm 20% trong việc giảm số người nghèo có thu nhập 1 USD/ngày ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, nông nghiệp còn mở đường cho các chính sách đổi mới. TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (IPSARD), cho rằng, Việt Nam đã làm tốt việc tạo điều kiện cho sản xuất tiếp cận tốt nhất với tài nguyên thiên nhiên như đất đai, nước... giao đất cho nông dân sản xuất cùng với tự do hoá thương mại và đầu tư mạnh về thuỷ lợi.

Theo các chuyên gia, an ninh lương thực ở Việt Nam đang bị lơi là. Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho lĩnh vực này (Ảnh Tuổi Trẻ).

"Tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam cho đến nay đã đem lại lợi ích cho cả vùng đô thị và nông thôn. Năm 1993, có tới 2/3 số dân nông thôn được coi là nghèo. Ngày nay, con số này giảm xuống chỉ còn 1/5”, ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhận định

“Nhưng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào vị thế là nước có mức thu nhập trung bình và cao hơn, vấn đề là liệu sự phát triển có lợi cho tất cả mọi người còn tồn tại nữa không? Cải thiện năng suất nông nghiệp và tạo cơ hội cho người nghèo ở nông thôn và các dân tộc thiểu số là cần thiết để không ai bị bỏ rơi", ông Martin Rama nói.

Theo ông Derek Byerlee, các nền kinh tế đang chuyển đổi, bao gồm Việt Nam, phải chuyển từ cách mạng xanh sang một nền nông nghiệp mới có giá trị cao và giảm nghèo. Xu hướng hiện nay của nền nông nghiệp là hướng vào những sản phẩm giá trị cao mà ở Việt Nam, chúng chiếm tới 1/2 giá trị các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Theo VietNamNet

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN