|
Cô Nguyễn Thị Kim Thoa. Ảnh: H.THI |
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Châu Thành, cô Nguyễn Thị Kim Thoa luôn nôn nao lòng mỗi khi ai đó nhắc đến hai chữ “ Phước Thạnh”. Trải qua tuổi thơ dưới những mái trường chông chênh mái, vách bằng lá, ngày ngày đến trường cô đều mong “hôm nay trời không mưa”. Thời gian thấm thoát trôi, cô lớn lên, trở thành cô giáo trường làng. Do cuộc sống gia đình ngày một khó khăn, cô thôi nghề “gõ đầu trẻ”, khăn gói lên thị thành. Thời gian dài bôn ba trên đất thị thành, giờ đây, cô là cố vấn cho Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Việt – Nga ở TP HCM. Ở vị trí này, cô có điều kiện thuận lợi thực hiện ước mơ mình hằng ấp ủ. Cô tâm sự: “Thời tuổi trẻ tôi là giáo viên dạy trường làng nên tôi hiểu và thông cảm với những khó khăn mà giáo viên, học sinh phải đối mặt, nhất là ở vùng nông thôn”.
Từ mong ước xây trường học khang trang cho học sinh, giáo viên quê nhà - như lời cô nói trong hội nghị tổng kết 5 năm phong trào thi đua của ngành giáo dục Bến Tre tháng 6 vừa qua, ngoài tham gia các hoạt động xã hội, cô còn dành nhiều thời gian về thăm quê. Bốn lần về xã Phước Thạnh, lần nào cô cũng mang nỗi ưu tư, nhất là khi chứng kiến trường mầm non Trần Văn Ơn đã được tách ra rồi mà vẫn còn phải mượn phòng của trường tiểu học. Khó khăn này địa phương đã thấy, nhưng “lực bất tòng tâm”, còn bà con trong xã thì không thôi mong có trường mầm non khang trang để gởi con cháu vào học. Cô Thoa hiểu tất cả điều ấy và nảy sinh ý tưởng: Ở quê, nếu có một ngôi trường bán trú thì còn gì bằng!
Được sự hỗ trợ giúp đỡ của các anh chị trong Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Việt – Nga và Sovico Holding, năm 2004, cô đầu tư 610 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất cho trường mầm non Trần Văn Ơn. Chưa dừng lại ở đó, với mong muốn giáo dục mầm non huyện nhà không ngừng phát triển, năm 2009, một lần nữa cô vận động 1,6 tỷ đồng xây dựng trường mầm non Thị trấn. Lúc bấy giờ, trường tuy đã có sẵn cơ sở vật chất nhưng một số phòng đã xuống cấp và thiếu phòng chức năng, trong khi đó, nhu cầu gởi trẻ vào đây rất lớn. Hiện nay, trường mầm non Thị trấn được mang tên anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thế Hùng.
Có thể nói, nhờ sự hỗ trợ của cô, hai ngôi trường mầm non ở huyện Châu Thành ngày càng phát triển. Trường mầm non Trần Văn Ơn đã đạt chuẩn quốc gia vào năm 2008, Trường Nguyễn Thế Hùng đang chờ công nhận. Với tinh thần tiếp tục hướng về quê hương, cô cho biết: “Tôi sẽ kêu gọi, vận động các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh được dạy và học tốt. Có như vậy mới thỏa lòng mong muốn của bản thân tôi, cũng như nhiều người khác đang đặt hết niềm tin vào ngành giáo dục tỉnh nhà”.