Xét xử các bị cáo phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

01/06/2011 - 08:25
Quang cảnh hội trường xét xử trong lúc tòa tuyên án.

Ngày 30-5-2011, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre đã mở phiên xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự đối với 7 bị cáo phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, gồm: Trần Thị Thúy,  SN 1971, thường trú xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Dương Kim Khải, SN 1958, ngụ phường 28, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh; Phạm Văn Thông, SN 1962, ngụ xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, Bến Tre; Cao Văn Tỉnh, SN 1974, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ; Phạm Ngọc Hoa, SN 1954, ngụ phường 21, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Tâm, SN 1953, ngụ xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, Bến Tre; Nguyễn Chí Thành, SN 1973, ngụ phường 5, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh.

“Khi nghe Tòa xét xử vụ án liên quan đến một số người hoạt động với âm mưu nhằm lật đổ chính quyền, tôi rất quan tâm. Sáng nay, tôi đi thật sớm để dự và theo dõi phiên tòa. Theo tôi, bản án mà Tòa tuyên là đúng người, đúng tội, đúng với quy định của pháp luật”.

Ông Nguyễn Thanh T. (ngụ xã Tân Xuân, Ba Tri)

“Theo tôi, bản án Tòa tuyên vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa thể hiện tinh thần nhân đạo của luật pháp Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị L. (ngụ phường 3, TP.Bến Tre)

Tất cả các bị cáo đều có luật sư bào chữa. Tham dự phiên tòa có nhiều phóng viên báo, đài và quần chúng nhân dân theo dõi suốt quá trình xét xử.

Cáo trạng số 09/KSĐT-AN ngày 21-3-2011 của Viện Kiểm sát nhân dân (Viện KSND) tỉnh Bến Tre đã truy tố các bị cáo: Trần Thị Thúy, Dương Kim Khải, Phạm Văn Thông, Cao Văn Tỉnh, Phạm Ngọc Hoa, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Chí Thành về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2, Điều 79 Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng: Tổ chức “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” (gọi tắt là Việt Tân) là tổ chức ở nước ngoài, hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ tháng 8-2009 đến tháng 4-2010, 7 bị cáo nêu trên đã được tổ chức Việt Tân móc nối sang Thái Lan, Campuchia để huấn luyện, giới thiệu tôn chỉ, mục đích và kế hoạch hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “diễn biến hòa bình” với phương pháp “bất bạo động”. Các bị cáo đều nhận thức được Việt Tân là tổ chức phản động, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng các bị cáo: Thúy, Khải, Tỉnh, Hoa, Tâm, Thành đã làm đơn gia nhập tổ chức này và đã được làm lễ kết nạp, được đặt bí danh, đã nhận nhiệm vụ, nhận tiền, phương tiện, tài liệu của tổ chức Việt Tân giao. Sau đó, các bị cáo về nước và thực hiện các hoạt động: tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức “Hiệp hội thân hữu người Việt Nam tương trợ”, tàng trữ và phát tán tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số quần chúng đi khiếu kiện đất đai để vận động, lôi kéo, tập trung lực lượng để biểu tình, gây rối nhằm chống phá Nhà nước. Hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia và lợi ích của dân tộc.

 

Luật sư tranh luận tại phiên tòa.

 

Người làm chứng khai tại tòa.

 

Tại tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Các luật sư tham gia bào chữa (5 luật sư bào chữa cho 7 bị cáo) đã nêu những tình tiết để xin HĐXX xem xét khi lượng hình nhằm giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Được nói lời sau cùng, các bị cáo đã tỏ lời ăn năn, hối hận và xin được giảm nhẹ hình phạt.

HĐXX xét thấy, mức độ phạm tội ở mỗi bị cáo tuy có khác nhau, nhưng các bị cáo đều là người bị tổ chức Việt Tân lôi kéo, dụ dỗ đi vào con đường phạm tội. Trước tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi mà mình thực hiện. Đặc biệt, các bị cáo: Hoa, Tâm và Thành đã tỏ rõ sự ăn năn hối cải về lỗi lầm của mình; các bị cáo có nhân thân tốt, bản thân từng bị cáo không có tiền án, tiền sự. HĐXX đã áp dụng chính sách khoan hồng của Nhà nước ta, cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt cho từng bị cáo. HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Trần Thị Thúy 8 năm tù, Phạm Văn Thông 7 năm tù, Dương Kim Khải 6 năm tù, Cao Văn Tỉnh 5 năm tù và mỗi bị cáo còn bị phạt quản chế 5 năm tại địa phương nơi bị cáo cư trú khi phạm tội (sau khi chấp hành hình phạt tù); tuyên phạt các bị cáo: Phạm Ngọc Hoa, Nguyễn Thành Tâm và Nguyễn Chí Thành, mỗi bị cáo 2 năm tù và bị quản chế 3 năm tại địa phương nơi bị cáo cư trú khi phạm tội (sau khi chấp hành xong hình phạt tù).

Bản án đã được đông đảo quần chúng nhân dân theo dõi phiên tòa đồng tình cao. Qua phiên tòa, có thể khẳng định, một số bài viết đăng trên một số diễn đàn cho rằng, Bến Tre “xét xử 7 người dân chủ”, xét xử những người “khiếu kiện, tôn giáo”… là hoàn toàn sai sự thật. Đây chỉ là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của bọn phản động và các thế lực thù địch nhằm lôi kéo, kích xúi những người thiếu hiểu biết, cùng những phần tử cơ hội nhằm gây mất ổn định xã hội, chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam -  Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

 “…Thầy Dương Kim Khải không phải là chức sắc của Hội thánh Mennonite Việt Nam theo Hiến chương đã được Nhà nước công nhận. Thầy Khải tự xưng là Mục sư của Hội thánh Mennonite Việt Nam đó là quyền tự do ngôn luận của Thầy mà thôi”.

 

(Trích Văn bản số 01/2010/TTL-TGH ngày 16-8-2010, do Mục sư Nguyễn Quang Trung - Hội trưởng, thay mặt Ban Trị sự Tổng Giáo hội Hội thánh Mennonite Việt Nam ký, trả lời với Ban Tôn Giáo - Dân tộc TP.Hồ Chí Minh, xác nhận về ông Dương Kim Khải).

Bài, ảnh: P.V

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN