 |
Đoàn khảo sát vị trí chôn cất liệt sĩ năm 1964. |
Trong hành trang về nhận nhiệm vụ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Giồng Trôm của tôi có cái vỗ vai của đồng chí Đại tá Đỗ Thành Tâm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Bến Tre: “Trên đất ông Bảy Cựu, ở xã Châu Hòa, hiện còn 2 hài cốt liệt sĩ hy sinh năm 1964 trong trận đánh đồn Cây Điệp, chú mày cố gắng tìm giúp coi”.
Lời gửi gắm chân tình, mộc mạc từ một cựu binh vốn là chiến sĩ đặc công thủy năm xưa, cũng là nỗi niềm trăn trở của nhiều cựu chiến binh đặc công Bến Tre thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.
Từ thông tin trên, sau khi ổn định công tác, tôi chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự xã Châu Hòa xác minh sự việc tại địa phương. Tuy nhiên, do nghe nhầm “Bảy Cựu” thành “Bảy Tựu” nên tôi đã chỉ đạo anh em địa phương xác minh trên địa bàn ấp Phú Thuận (nơi trước đây có đồn Cây Điệp) và kết quả không phát hiện được gì. Tại hội nghị tổng kết 5 năm Pháp lệnh Cựu Chiến binh Việt Nam do UBND tỉnh tổ chức mới đây, sau khi trao đổi kỹ với các đồng chí cựu chiến binh, tôi tiếp tục chỉ đạo địa phương xác minh lần nữa. Và lần này anh em báo về: Tại địa bàn ấp Thới An, xã Châu Hòa còn sót 2 hài cốt liệt sĩ như thông tin của các đồng chí cựu chiến binh!
Ngày 4-7-2014, chúng tôi đã đến ấp Thới An để khảo sát thực tế. Tại đây, chúng tôi may mắn gặp được ông Võ Văn Rạng (71 tuổi, là một trong những người đã tham gia chôn cất các liệt sĩ vào năm 1964) và ông Trương Hùng Tư (nguyên là Xã đội trưởng những năm sau giải phóng, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Châu Hòa) - người biết được một số thông tin về các mộ liệt sĩ đã được chôn cất trên địa bàn.
Theo lời kể của ông Rạng, vào một ngày cuối năm 1964, lúc đó khoảng xế chiều, ông được huy động tham gia chôn cất một số liệt sĩ mới hy sinh đưa về khu vực đất của Hội đồng Cát (nay là ấp Thới An, xã Châu Hòa). Trong điều kiện chiến tranh, liệt sĩ được tẩn liệm bằng những chiếc hòm đóng vội, ván mỏng cỡ 2 phân; các liệt sĩ được chôn cách nhau trong khoảng 1 thước và có 4 hay 5 liệt sĩ. Việc chôn cất liệt sĩ được tiến hành rất khẩn trương, sau khi chôn xong thì phải nhanh chóng rời khỏi vị trí để tránh máy bay giặc. Trong những người cùng chôn cất liệt sĩ năm ấy, ông Trần Văn Đấu (Tư Rượu) là người phụ trách mai táng, có thể có danh sách và sơ đồ mộ, nhưng ông Tư Rượu cũng đã mất khá lâu.
Còn theo lời của ông Hùng Tư, thì sau năm 1975, thân nhân liệt sĩ đã đến đây bốc đi một số hài cốt, tuy nhiên vẫn còn lại 2 mộ. Tại nơi đây, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, địa phương thành lập vùng kinh tế mới, đất được cấp cho một số người từ TP. Hồ Chí Minh xuống khai phá. Trải qua nhiều chủ đất, thời gian cũng đã gần tròn 50 năm nên mộ bị lạng, hiện nơi chôn các liệt sĩ không còn dấu tích gì. Trong phạm vi khoảng 300m2 theo chỉ dẫn của ông Rạng và ông Tư, nơi đây là một bờ đất, trên đó có 18 cây dừa cao khoảng 20m, 20 cây chuối, 3 cây mai thuộc thửa số 6, tờ bản đồ số 19, do ông Bùi Văn Hải, tổ trưởng tổ NDTQ số 4, ấp Thới An đang canh tác.
Tại hiện trường, qua trao đổi bằng điện thoại với đồng chí Hoàng Xuân Lâm (Văn Ngọc Sáu), nguyên là chiến sĩ đặc công, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Long An, hiện ngụ tại số 33, đường Nguyễn Thị Bảy, phường 6, TP. Tân An, tỉnh Long An, người đã tham gia trận đánh năm xưa, được biết 2 liệt sĩ còn nằm lại nơi đây, một người có tên là Khởi, quê xã Tân Xuân, huyện Ba Tri và một người tên là Danh Rỗ, quê ở huyện Mỏ Cày. Đồng chí Khởi lúc hy sinh chức vụ là Tiểu đội phó, là người chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Xuân Lâm. Chúng tôi cũng đã liên lạc với Đại tá Lê Quang Văn (Lê Giang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên là Chính trị viên Đại đội đặc công 670A, đơn vị đã tham gia đánh trận đồn Cây Điệp cuối năm 1964, ông xác nhận có liệt sĩ tên Khởi và Danh Rỗ; đồng thời bổ sung thêm liệt sĩ Danh Rỗ có thể tên là Danh nhưng do mặt rỗ nên thường gọi là Danh Rỗ và quê liệt sĩ này khả năng là ở huyện Mỏ Cày Nam hiện nay.
Như vậy, thông tin về 2 hài cốt liệt sĩ tại ấp Thới An, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm là có cơ sở. Ban Chỉ huy Quân sự phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Trôm đang hoàn chỉnh hồ sơ xác minh vụ việc để báo cáo lên cấp trên. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng bạn đọc gần xa, các đồng chí cựu chiến binh và bà con nhân dân nếu biết thông tin về liệt sĩ Khởi và liệt sĩ Danh Rỗ hãy cung cấp cho chúng tôi, để sớm đưa các anh về với đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh. Chúng tôi cũng đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện: Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc cùng phối hợp rà soát trong cơ sở dữ liệu lưu trữ xem có chi tiết gì về 2 trường hợp này không.