Xử lý dòi hại đọt bưởi

29/09/2009 - 09:25

Trong những năm gần đây, diện tích trồng bưởi ngày càng mở rộng, nhất là bưởi da xanh, vì đây là loại trái cây có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay, các vườn bưởi (tập trung nhiều ở TP. Bến Tre, Châu Thành, Chợ Lách) đang bị đe dọa bởi một loại dịch hại mới phát triển và gây hại phổ  biến trên các đọt bưởi mới ra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây bưởi. Đó là dòi hại đọt bưởi (khác với ruồi đục trái).

Ruồi thuộc bộ Diptera họ Cecidomyiidae, tên tiếng Anh là Gall midge. Ruồi trưởng thành rất nhỏ, màu vàng nâu, dài khoảng 1,5mm. Chúng đẻ trứng trên các đọt bưởi vừa mới nhú ra như búp trà, sau đó nở ra dòi. Trứng rất nhỏ, mắt thường khó có thể nhìn thấy. Trứng nở trong vòng 1-2 ngày. Ấu trùng dạng dòi, mới nở màu trắng, tuổi lớn ngã màu vàng, dài khoảng 1,9mm. Chúng sống trong các đọt non chưa mở ra.  Ấu trùng sống khoảng 8-12 ngày. Ấu trùng sau khi đủ sức thì búng mình xuống đất hóa nhộng. Nhộng có màu vàng sáng khi mới và chuyển màu vàng đen khi gần vũ hóa.
 Đây là loại côn trùng mới xuất hiện trong thời gian gần đây, phá hại rất nhiều vườn bưởi, gây thiệt hại khá nặng. Triệu chứng để  nhận biết sự xuất hiện của côn trùng này là những lá non bị nâu đen và rụng, chỉ còn trơ lại cọng đọt. Tuy nhiên, nếu nông dân phát hiện giai đoạn này thì quá trễ mà phải quan sát khi đọt vừa mới nhú ra khoảng 1-2cm, dùng tăm vạch lá non sẽ thấy dòi sinh sống trong đó với mật số rất cao. Ruồi thuộc loài đa ký, chủ ký sinh trên nhiều loại cây trồng.
Biện pháp phòng trừ:
Đây là loại côn trùng mới phát triển trong thời gian gần đây nên những nghiên cứu cũng như kinh nghiệm phòng trừ chưa nhiều, song bước đầu có những khuyến cáo như sau: Ruồi gây hại ở giai đoạn đọt non mới phát triển, vì thế nên phun thuốc vào lúc lá non chưa mở, mới có sự hiện diện của chúng. Cần vệ sinh vườn cho thông thoáng. Dùng bẫy màu vàng để bắt ruồi trưởng thành. Phủ màng bạc nylon ở gốc để ngăn cản sự hóa nhộng của ruồi. Có thể phun dầu khoáng SK Enspray 99 ngay lúc ra đọt non. Một số thuốc hóa học có hiệu quả như Map Jono 700WP + Map Green 6AS ( liều lượng 1gr + 8ml / bình 8 lít ) ; Map Winner 5 WG + Map Green 6AS ( liều lượng 2gr + 8ml / bình 8 lít ), Confidor 100SL liều lượng 6ml / bình 8 lít. Một điều cần lưu ý là ở một số vườn có kiến vàng thì loại dòi này ít phát triển, vì thế khi phun thuốc nên phun vào lúc chiều mát lúc kiến vàng vào tổ sẽ hạn chế ảnh hưởng đến kiến.
Chú ý: Ruồi rất mau tái xuất hiện lại khi cây có đọt non mới, do đó phải theo dõi thường xuyên khi đọt non ra để xử lý.

KS Nguyễn Thị Nguyệt (Chi cục BVTV Bến Tre)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN