Bà Hồ Thị Trắng (Tiền Giang) có nhu cầu tư vấn: Nửa tháng trước, con trai tôi (18 tuổi) tự ý lấy xe máy đi chơi. Trên đường đi, con tôi đụng phải người phụ nữ băng qua đường làm người này té ngã. Sau đó, người té được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Gia đình tôi đã thỏa thuận bồi thường tiền cho gia đình của người bị nạn và họ có đơn xin bãi nại cho con tôi. Xin hỏi: Con tôi có bị xử lý hình sự, có bị tù hay không?
Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm:
a) Làm chết người.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
…”.
Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 584 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác…”.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 586 BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân thì người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
Điều 590 BLDS quy định về mức bồi thường cho người bị thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, người bị thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm còn được bồi thường về tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.
Theo lời trình bày của bà, nếu con trai bà đã 18 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm (Điều 12 Bộ luật Hình sự).
Về việc con trai của bà điều khiển phương tiện giao thông va chạm với một người phụ nữ và dẫn đến chết người. Vấn đề này, cơ quan tố tụng cần phải có đầy đủ các chứng cứ chứng minh con trai bà có lỗi khi tham gia giao thông. Cụ thể như: kết quả khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra tai nạn; kết quả khám nghiệm tử thi nguyên nhân dẫn đến tử vong; các chứng cứ chứng minh diễn biến hành vi khi con bà tham gia giao thông…
Gia đình bà đã có thỏa thuận bồi thường các chi phí cho bị hại có thể xem như là khắc phục hậu quả và gia đình người bị hại có đơn bãi nại cho con bà. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho con trai bà.
Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án là bắt buộc vì tai nạn giao thông xảy ra (gây hậu quả nghiêm trọng là làm chết người). Bà phải chờ cho đến khi cơ quan cảnh sát điều tra có kết luận điều tra có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không? Trường hợp khởi tố bị can thì con bà vẫn phải chờ phán quyết của tòa án.
Bà có thể liên hệ với cơ quan cảnh sát điều tra nơi con bà gây tai nạn để hiểu rõ thêm các tình tiết diễn biến của sự việc.
H.Trâm (thực hiện)