Trong sản xuất, kinh doanh, sự tụt hậu về công nghệ và kỹ thuật sẽ tạo ra các sản phẩm chất lượng thấp, không ổn định, giá thành cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Vì vậy, việc đổi mới công nghệ
(ĐMCN) trong sản xuất, kinh doanh là một yêu cầu tất yếu của DN. Tuy nhiên, đối
với DN trong tỉnh, việc ĐMCN trong sản xuất, kinh doanh vô cùng khó khăn vì vốn
đăng ký kinh doanh chỉ ở mức độ trung bình, khoảng 4,9 tỷ/DN và quy mô phần lớn
là vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 96,5% tổng số khoảng 3.150 DN). Do đó, để có những
chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN ĐMCN mang tính khả thi và hiệu quả, Sở Khoa học
và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao
Công nghệ thuộc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh và Ths. Trần Đức Đạt, chủ nhiệm đề
tài, thực hiện đề tài nghiên cứu: “Đánh giá trình độ công nghệ (TĐCN) của các
ngành chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre”. Việc đánh giá TĐCN của các ngành sản
xuất được dựa trên các tiêu chí quy định tại Thông tư số 04/2014 ngày 8-4-2014
của Bộ KH&CN với 4 yếu tố chính là Technology (trình độ kỹ thuật), Human
(con người, nhân công, quản trị), Information (thông tin), Oganization (tổ chức).
Sau 12 tháng thực hiện với kinh phí khoảng 468 triệu đồng,
đề tài đã khảo sát đánh giá TĐCN của 180 DN thuộc 7 nhóm ngành công nghiệp trên
địa bàn tỉnh với kết quả đánh giá chung là DN có TĐCN đạt mức trung bình và
hoàn thành được phần mềm trực tuyến hỗ trợ đánh giá TĐCN. Dưới góc độ quản lý
nhà nước về công nghệ, những cơ sở dữ liệu ban đầu, những thông số về năng lực
công nghệ, ĐMCN sẽ giúp ngành KH&CN có cơ sở xem xét, đánh giá, thẩm định
và tư vấn cho các DN lựa chọn những công nghệ phù hợp, tránh tình trạng nhập khẩu,
chuyển giao công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường, kém năng lực cạnh
tranh... Đối với DN trực tiếp sở hữu công nghệ để sản xuất ra sản phẩm và hàng
hóa hoặc dịch vụ, việc đánh giá sẽ giúp DN biết thực trạng, năng lực công nghệ
của mình trong tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh cùng loại, từ đó
đưa ra những quyết sách trong chiến lược đổi mới sản phẩm và công nghệ chế tạo
ra sản phẩm, trong chính sách kinh doanh, trong lựa chọn địa điểm đầu tư…
Qua kết quả khảo sát của 180 DN, không có DN nào đạt
TĐCN tiên tiến; chỉ có 14 DN đạt TĐCN
trung bình tiên tiến, chiếm 7,78%, 164 DN đạt TĐCN trung bình, chiếm 91,1% và 2
DN có TĐCN lạc hậu, chiếm 1,1%.
Theo hình thức phân loại nhóm ngành thì có 7 ngành chủ lực
trên địa bàn tỉnh tham gia điều tra, khảo sát đánh giá TĐCN đạt TĐCN trung
bình. Trong đó, 4 nhóm ngành: chế biến rau quả - dừa; sản xuất trang phục; sản
xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu
có DN đạt TĐCN trung bình tiên tiến. Cụ thể: ngành chế biến, bảo quản thủy sản
và các sản phẩm từ thủy sản đạt TĐCN trung bình; ngành chế biến rau quả - dừa đạt
TĐCN trung bình (trong đó có 4 DN đạt TĐCN trung bình tiên tiến: Công ty (CT)
TNHH TM - DV XNK BTCO, CT TNHH SX DV TM Ngọc Thanh, CT TNHH chế biến dừa Lương
Quới, CT CP Song Thịnh); ngành sản xuất thực phẩm khác đạt TĐCN trung bình;
ngành sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đạt TĐCN trung bình; ngành
sản xuất trang phục đạt TĐCN trung bình (trong đó có 1 DN đạt TĐCN trung bình
tiên tiến: CT TNHH MTV PungKook Bến Tre); ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm
hóa chất đạt TĐCN trung bình (trong đó có 5 doanh nghiệp đạt TĐCN trung bình
tiên tiến: TNHH MTV SX TM DV XNK Cánh Đồng Xanh, TNHH Thống Nhất, TNHH Hiệp
Thanh, TNHH Phân bón Lio Thái, TNHH MTV Phân bón Tuyên Phong); ngành sản xuất
máy móc thiết bị chưa phân vào đâu đạt TĐCN trung bình (trong đó có 4 DN đạt
TĐCN trung bình tiên tiến: Cơ sở Hồ Văn Nhân, CT TNHH MTV Đóng tàu Sơn Hoa, Hộ
kinh doanh Trường Ngân, CT CP SX TM Phương Đông).
Bên cạnh khảo sát, đánh giá, nhóm nghiên cứu còn xây dựng
phần mềm cơ sở dữ liệu trực tuyến dùng cho quản lý và tính toán, đánh giá hiện
trạng TĐCN của các DN tại địa chỉ: http://www.dgtdcnbentre.vn. Hệ thống này được
thiết kế, xây dựng trên nền tảng “mã nguồn mở”, dễ dàng tích hợp hoặc mở rộng
tính năng. Hệ thống được tích hợp đầy đủ các tiêu chí đánh giá, phân tích, xác
định điểm mạnh, điểm yếu của các thành phần công nghệ, hỗ trợ trích xuất các dữ
liệu, biểu đồ tính toán, tích hợp nhiều tính năng khác về bảo mật và phân quyền
quản lý... làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, DN, tổ chức KH&CN sử
dụng trong việc đề xuất giải pháp, chính sách đầu tư đổi mới, nâng cao TĐCN tại
DN, ngành hoặc tại địa phương. Ngoài ra, thông qua khảo sát trực tuyến, hệ thống
có thể cập nhật, so sánh thực trạng, tính toán được mức độ tăng trưởng, tình
hình ĐMCN của DN qua các kỳ thống kê.
Mặc dù các tiêu chí đánh giá
TĐCN theo Thông tư số 04/2014 của Bộ KH&CN còn nhiều bất cập, chưa phù hợp
với từng ngành, từng địa phương, nhưng kết quả nghiên cứu của đề tài đã mang
lại rất nhiều giá trị thiết thực, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, hoạch định
chính sách có cái nhìn tổng quát về hiện trạng công nghệ của địa phương và DN
cũng sẽ biết được TĐCN của mình đang ở mức nào so với công nghệ hiện nay, đâu
là điểm mạnh, đâu là điểm yếu, để từ đó có quyết sách đầu tư phù hợp với chiến
lược kinh doanh, tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.
|