Tư tưởng về đạo đức và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh thể hiện rất thực tế và sống động trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, trong đó yêu thương con người, sống có nghĩa có tình là một trong những chuẩn mực theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Và chính Bác, là một trong những vị lãnh tụ yêu thương con người nhất, sống có nghĩa có tình nhất, là tấm gương sáng để chúng ta tôn vinh, học tập và làm theo.
Yêu thương con người trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Tình yêu thương con người theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tình yêu thương đối với đại đa số nhân dân, những người lao động bình thường trong xã hội, những người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột; yêu thương con người thì phải tin vào con người, với mình thì nghiêm khắc, với người thì khoan dung, độ lượng; phải quan tâm giúp con người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn, xây dựng sự cố kết cộng đồng thương yêu nhau; phải biết và dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người, mang lại cho con người ấm no, hạnh phúc.
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người nói lên niềm ham muốn tột bậc của mình, đó là ham muốn làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; Người cho rằng, có độc lập, tự do mà để nhân dân đói khổ thì độc lập, tự do ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Và chính Bác đã biến ham muốn tột bậc ấy, triết lý sống đẹp ấy thành động cơ, tình cảm mãnh liệt, thúc đẩy Người vượt qua muôn vàn cam go, thử thách để đạt đến mục tiêu, lý tưởng trong sự nghiệp đầy vinh quang của mình.
Với Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người là không biên giới. Trước hết, Bác lo cho dân tộc mình thoát khỏi cảnh đói khổ lầm than, kiếp đời nô lệ; và sau đó, Người lo cho tất cả mọi người trên hành tinh còn lại bị đọa đày, đau khổ. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước nơi xứ lạ, quê người, không ít lần Người đã rơi lệ trước thảm cảnh đời sống của người nô lệ da đen, tình trạng phụ nữ bị chà đạp dưới đáy xã hội. Chính Người, lúc khổ nhất phải làm phụ bếp cho khách sạn Cac-lơ-tơn ở Luân Đôn (1914), đã dành thức ăn thừa của khách còn sử dụng được để cho người nghèo.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng khi trở về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói. Và chính vì tình yêu thương ấy, Người đã dành trọn cuộc đời mình hy sinh cho nước, cho dân, không một thoáng gợn nét riêng tư. Bút tích di chúc Người viết trong những ngày sắp từ giã cõi đời, thì điều luyến tiếc nhất của Người đó là tiếc không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa.
Tình cảm và nghĩa cử của Bác Hồ đối với người nghèo khổ là hết sức cụ thể, dung dị, trở thành lòng nhân ái bao la Hồ Chí Minh. Với cương vị cao nhất là Chủ tịch nước, Bác vẫn quan tâm tặng áo lụa cho người già, tặng sữa cho bà mẹ sinh ba, có quà cho thiếu nhi nhân dịp lễ hội, chọn cây ít rụng lá trồng trên đường phố để chị em quét rác đỡ vất vả, sống một cuộc đời vô cùng bình dị, thực hành tiết kiệm cá nhân vì mọi người… Tất cả vì: “Tự do cho mỗi đời nô lệ. Sữa để em thơ, lụa tặng già” (Tố Hữu)
Có nhiều câu chuyện cảm động về việc Bác Hồ đi thăm, chúc tết người nghèo trong thời điểm giao thừa khi năm hết, tết đến. Bác Hồ đã xúc động đến rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô ở ngõ hẻm Sinh Từ trong mùa xuân độc lập đầu tiên (1946) nhưng “Tết mà không có tết”, ngoài một nén hương đang cháy dỡ trên bàn thờ, thì chủ nhà đang đắp chiếu mê mệt vì ốm. Bác cảm cảnh mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội), chồng mất sớm, đến giờ giao thừa (Tết năm 1960) vẫn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho 4 đứa con của mình. Với tấm lòng quan tâm chăm lo cho người nghèo, yêu thương con người, Bác đã tâm sự với các đồng chí phục vụ cạnh Bác: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”.
Bác luôn căn dặn Đảng ta phải quan tâm chăm lo cho con người, mỗi cán bộ đảng viên phải là công bộc của nhân dân, yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Năm 1968, khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền, nêu gương những nhân tố tích cực, những cách ứng xử đúng đắn, đối đãi với nhau chân tình, Người đã dặn: “Hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin được”.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động đang trở thành đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt văn hóa được cán bộ đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực. Học tập và làm theo Bác, phải ngay từ những việc cụ thể, thiết thực, trong đó có tình yêu thương con người, sống với nhau có tình, có nghĩa là một trong bốn chuẩn mục đạo đức con người mới trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Đất nước đổi mới, xã hội phát triển, song bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận dân ta còn nghèo khổ, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và tất cả mọi người chúng ta phải hết sức quan tâm, có cơ chế, chính sách và tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Hơn lúc nào hết, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về vấn đề này càng tỏa sáng và càng để chúng ta suy gẫm.
Giúp đỡ cho người nghèo để người nghèo cải thiện cuộc sống, sống tốt, sống vươn lên là chúng ta đã thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; để xã hội ta ngày càng tốt hơn, để cuộc đời này ngày càng thêm đáng sống khi mọi người cảm nhận rằng hạnh phúc luôn ở quanh ta.