Được mệnh danh là “thủ phủ dừa” của Việt Nam, Bến Tre hiện có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với diện tích hơn 79 ngàn héc-ta, sản lượng hơn 705 ngàn tấn/năm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 157 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa. Tỉnh đang khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa. Diện tích cây ăn trái khoảng 24 ngàn héc-ta, cho sản lượng 300 ngàn tấn/năm (chủ yếu là bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, trái cây có múi, sầu riêng, măng cụt...).
Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh: Cẩm Trúc
Thu mua dừa xiêm xanh xuất khẩu. Ảnh: Cẩm Trúc
Dừa xiêm xanh uống nước và bưởi da xanh tỉnh Bến Tre được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được công bố chỉ dẫn địa lý, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong đó có 7 sản phẩm vừa được công nhận năm 2024 (sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu).
Sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu là những sản phẩm vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Cẩm Trúc - N. Dừa
Cuối tháng 8-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký các nghị định thư cho phép sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Mới đây, vào ngày 23-9-2024, hai sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của Bến Tre cũng đã chính thức được Cơ quan sở hữu trí tuệ Canada cấp Văn bằng bảo hộ dưới hình thức “Nhãn hiệu chứng nhận”, tạo dấu ấn đặc biệt quan trọng cho sản phẩm nông nghiệp địa phương trong hành trình hội nhập quốc tế.
Về chăn nuôi gia súc, gia cầm, tỉnh có đàn bò khá lớn với trên 230 ngàn con (Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao văn bằng bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri” từ tháng 12-2016). Đàn heo hơn 440 ngàn con. Đàn gia cầm: 7,53 triệu con.
Tỉnh có số lượng đàn gia súc, gia cầm khá lớn. Ảnh: Cẩm Trúc - Lê Đệ
Thủy sản đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung vùng nuôi tôm công nghệ cao. Diện tích nuôi thủy sản hơn 47.800 héc-ta (trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh: 12.850 héc-ta) cho sản lượng hơn 302 ngàn tấn/ năm. Ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Trong 4 năm qua đã phát triển thêm hơn 1.500 héc-ta nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, lũy kế đến nay đã phát triển hơn 3.500 héc-ta nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Cẩm Trúc
Thu hoạch nghêu tại Hợp tác xã Thủy sản An Thủy (Ba Tri). Ảnh: Cẩm Trúc
Sản lượng khai thác, đánh bắt khoảng 25 ngàn tấn/năm. Đặc biệt, năm 2009, con nghêu Bến Tre được Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế (MSC) cấp chứng nhận MSC, giúp giá trị sản phẩm tăng từ 25-30%, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao lợi thế cạnh tranh gần nhiều lần trên thị trường thế giới.
Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các Hội nghị, diễn đàn do tỉnh Bến Tre tổ chức.
Toàn tỉnh có hơn 10 doanh nghiệp lớn chế biến thủy sản, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: nghêu, cá tra, tôm đông lạnh. Đến nay, Bến Tre đã xây dựng 256 sản phẩm Ocop được công nhận, trong đó 198 sản phẩm 3 sao, 54 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh khảo sát hoạt động chế biến dừa trái tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh. Ảnh: Cẩm Trúc
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, nhằm để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho hàng hoá nông sản, thời gian qua ngành nông nghiệp đã cùng với hệ thống chính trị nỗ lực xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, GAP và tương đương. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 26.470 héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; bao gồm: dừa (20.401 héc-ta), cây ăn trái (664 héc-ta) và thủy sản (5.405 héc-ta). Đặc biệt, toàn tỉnh thu hút hơn hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước xây dựng 24 mã số vùng trồng nội địa (với diện tích là 640,52 héc-ta) và xây dựng 62 vùng trồng xuất khẩu, với 152 mã số (với diện tích 1.054,93 héc-ta). Trong đó có 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan...
Với điều kiện tự nhiên sông rạch chằng chịt, cây trái bốn mùa, có 65 km bờ biển và nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, Bến Tre đang sở hữu nhiều tài nguyên du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái, thiên nhiên, cộng đồng, du lịch nghĩ dưỡng, du lịch tâm linh...
Tỉnh Bến Tre có khoảng 1,3 triệu dân với hơn 2.360km2. Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động của doanh nghiệp được đầu tư đồng bộ. Hiện các khu, cụm công nghiệp đang hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng, kêu gọi đầu tư. Nguồn nhân lực dồi dào với lực lượng lao động trong năm khoảng 785.444 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,55%. Tỉnh có chính sách ưu đãi đầu tư cho dự án thứ cấp theo địa bàn tỉnh về điều kiện kinh tế - xã hội như ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... Chính quyền tỉnh thân thiện, năng động và cam kết luôn đồng hành với nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát vị trí xây dựng tầng Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có đất sạch giao nhà đầu tư. Ảnh: Cẩm Trúc
Thời gian qua, tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh. Từ kết quả của những nỗ lực trên, năm 2023 Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Bến Tre xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành trong bảng xếp hạng cả nước và đứng thứ 3 ở khu vực ĐBSCL, tăng 6 bậc so với năm 2022 và nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt của cả nước. Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của Bến Tre xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng cả nước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre Dương Văn Phúc (thứ 2, từ phải sang) tham quan sản phẩm cuộc thi Thiết kế mẫu quà tặng OCOP. Ảnh: Cẩm Trúc
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre Dương Văn Phúc khẳng định: Tất cả nhũng kết quả này đã ghi nhận những nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh Bến Tre trong việc kiên định mục tiêu đồng hành với doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp. Thể hiện rõ sự nhất quán của chính quyền tỉnh Bến Tre là luôn quan tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.
Thông qua các chỉ số phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre năm 2023, cho thấy Bến Tre đang phát triển đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 5,16%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm, kim ngạch xuất khẩu 1.530 triệu đô la, kim ngạch nhập khẩu 450 triệu đô la. Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm 21,3%, nông - lâm - thủy sản 34,3%, dịch vụ 41%, thuế sản phẩm 3,4%.
Sản xuất chế biến các sản phẩm thủy sản, xoài, dừa xuất khẩu, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc
Đến tháng 9-2024, tỉnh có 262 dự án, tổng vốn đăng ký 59.590 tỷ đồng, 68 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 1.659 triệu đô la. Toàn tỉnh có 6.384 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 77 ngàn tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký 59 ngàn tỷ đồng. Về phát triển kinh tế tập thể, toàn tỉnh có 198 hợp tác xã với tổng vốn điều lệ 336,63 tỷ đồng.
Nhà máy Bia Sài Gòn - Bến Tre tại Cụm công nghiệp Long Phước, Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc
Chế biến dừa xuất khẩu tại Công ty cổ Xuất nhập khẩu Bến Tre (BETRIMEX) Cụm công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Cẩm Trúc
Thi công Khu công nghiệp Phú Thuận. Ảnh: Cẩm Trúc
Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp đã thành lập, trong đó có 2 khu đã lấp đầy 100% (Khu công nghiệp An Hiệp: 72 héc-ta và Khu công nghiệp Giao Long: 168 héc-ta), đang đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận 232héc-ta. Có 5 khu công nghiệp dự kiến mở rộng và thành lập mới gồm: Mở rộng Khu công nghiệp Giao Long (giai đoạn III), Khu công nghiệp Giao Hòa, Phước Long, An Nhơn, Bảo Thạnh. Bên cạnh đó là các cụm công nghiệp tại các 8 huyện và thành phố, trong đó có 268 héc-ta đã thành lập, dự kiến mở rộng 134 héc-ta, và sẽ bổ sung mới thêm 515 héc-ta.
Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, Khu công nghiệp An Hiệp. Ảnh: Cẩm Trúc
Công ty cổ phần Gò Đàng, Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành hiện có đến 5 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, với hệ thống khép kín bao gồm: Nuôi trồng, chế biến thức ăn thủy sản, chế biến thủy sản đông lạnh, hàng giá trị gia tăng, đồ hộp và hệ thống kho lạnh để phục vụ cho xuất khẩu và nội địa. Công ty vừa mới khởi công nhà máy chế biến đồ hộp và kho lạnh vào cuối năm 2023, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024.
“Trong năm vừa qua, mặc dù đấy là giai đoạn khó khăn về kinh tế nhưng chúng tôi tiếp tục chọn Bến Tre là điểm đầu tư. Bởi môi trường đầu tư tại đây thuận lợi. Công ty được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn, rất tích cực của lãnh đạo và chính quyền tại địa phương” - ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Công ty phấn khởi chia sẻ về môi trường đầu tư tại tỉnh.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm cùng lãnh đạo tỉnh, giới thiệu thành tựu ngành dừa với đại biểu các bộ ngành Trung ương. Ảnh: Cẩm Trúc
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc
Với quyết tâm tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, Bến Tre đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, chú trọng thực hiện tốt công tác đối ngoại, đặc biệt là hoạt động đối ngoại kinh tế; tận dụng tốt cơ hội các hiệp định thương mại tạo đà để thúc đẩy giao thương và xuất khẩu của tỉnh.
Đại biểu các tổ chức quốc tế chuyên gia nước ngoài tham dự Hội thảo Khoa học ngành dừa tỉnh Bến Tre, vào tháng 8-2024. Ảnh: Cẩm Trúc
Đoàn chính quyền và doanh nghiệp Nhật Bản về tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc
Bến Tre cũng tăng cường quảng bá thương hiệu, liên kết, xúc tiến để thu hút vốn ODA, NGO, FDI, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đã ký nhiều bản ghi nhớ với Nhật Bản (Ehime), Bỉ và Ả-rập Xê-út... Đặc biệt, Bến Tre đã chủ động tăng cường kết nối với các Đại sứ Việt Nam tại các nước như: Đức, Pháp, Italy, Áo, Slovakia, Hungary, Bulgaria, Hy Lạp, Hà Lan, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iran, Saudi Arabia, Qatar, Nam Phi, Ai Cập, Sri Lanka, Pakistan… Với mong muốn đại sứ các nước sẽ hỗ trợ, giúp sức cho tỉnh trong thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo sự đột phá trong thời gian tới.
Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh (gọi tắt là tuyến đường bộ ven biển tỉnh) có chiều dài khoảng 53km, dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2028, tổng mức đầu tư khoảng 11.627 tỷ đồng. Dự án đi qua 3 con sông lớn, bao gồm: Sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, tạo nên tuyến vành đai kinh tế ven biển quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc ĐBSCL.
Địa điểm xây dựng nút giao thông giao thoa giữa QL.57B với tuyến đường bộ ven biển tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ảnh: Thạch Thảo
Việc nhận diện hạn chế kinh tế (KT) phát triển chưa toàn diện, chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô KT còn thấp, đến năm 2020 chỉ đứng thứ 11/13 tỉnh, thành ĐBSCL càng thúc đẩy động lực phải vươn lên của tỉnh. Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 24-8-2021 về tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045 của HĐND tỉnh đưa ra các giải pháp động lực để thực hiện tầm nhìn. Trong đó, có 3 giải pháp hàng đầu là về quy hoạch không gian, cụ thể cấu trúc không gian tỉnh phát triển dựa trên các trục giao thông chính, về sử dụng đất và về phát triển kết cấu hạ tầng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức. Ảnh: Thạch Thảo
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức cho biết: Tuyến đường bộ ven biển tỉnh được xem là nơi giao hội của các tuyến giao thông quốc gia. Cụ thể: phía Bắc kết nối với tỉnh Tiền Giang thông qua quốc lộ 50, đi Long An, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; phía Nam nối với tỉnh Trà Vinh thông qua quốc lộ 53, quốc lộ 54 và cầu Cổ Chiên trên quốc lộ 60 hiện đang khai thác, tiếp tục đi xuống Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; phía Tây kết nối với Vĩnh Long qua quốc lộ 57 tiếp tục đi Đồng Tháp. Đồng thời, mạng lưới đường cao tốc trục ngang dự kiến được hình thành trong giai đoạn 2025 - 2030 (bao gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu) sẽ tạo ra khu vực tứ giác Long Xuyên để kết nối giao thông với trục dọc cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Từ đó, tạo ra sức hút giao thông hướng về tuyến đường ven biển đang được đề xuất hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2025 - 2030.
Việc hình thành tuyến đường bộ ven biển sẽ kích thích kinh tế biển phát triển. Ảnh: Thạch Thảo
Phối cảnh cầu Ba Lai nối huyện Bình Đại và Ba Tri. Ảnh: Thạch Thảo
Dự án Xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, được UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định đầu tư. Theo đó, quy mô đầu tư cầu Ba Lai 8 dài 527,6m, đường vào cầu dài 12,37km. Các công trình trên tuyến gồm: 4 cây cầu bằng bê-tông cốt thép nhịp giản đơn, 2 nút giao thông giao với ĐT.886 và giao với quốc lộ 57B, cống thoát nước ngang đường và đường kết nối với đường giao thông hiện hữu. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.255 tỷ đồng.
Ông Hoàng Đình Luân - Giám đốc Ban điều hành của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Ảnh: CTV
Đại diện đơn vị trúng thầu gói thầu xây lắp số 2 thuộc dự án Xây dựng cầu Ba Lai 8, ông Hoàng Đình Luân - Giám đốc Ban điều hành của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) chia sẻ: “Đối với Bến Tre, tôi nhận thấy các huyện ven biển của tỉnh đang phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản. Vấn đề giao thương, vận chuyển thủy sản còn gặp nhiều khó khăn do phương tiện phải đi từ TP. Bến Tre xuống các huyện biển. Nếu tỉnh hình thành được tuyến đường ven biển sẽ giúp ích nhiều cho phát triển kinh tế biển, phương tiện giao thương, thu mua thủy sản sẽ chạy thẳng theo tuyến ven biển, không phải chạy vòng về TP. Bến Tre để ra quốc lộ 1. Tuyến ven biển không chỉ nâng tầm vị thế của Bến Tre mà còn cho các tỉnh lân cận như: Tiền Giang, Trà Vinh trong khu vực ĐBSCL. Đời sống bà con sẽ được hưởng lợi nhờ giao thương phát triển”.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến kiểm tra nơi diễn ra lễ khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ảnh: Thạch Thảo
Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển khởi công thông qua công trình cầu Ba Lai 8 là niềm vui to lớn của toàn Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp tỉnh hiện thực hóa 52km tuyến đường ven biển và 4 cây cầu lớn trên tuyến này, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Qua đó mở ra hành lang kinh tế mới cho tỉnh Bến Tre là kinh tế biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam kiểm tra tiến độ chuẩn bị khởi công cầu Ba Lai 8, tại huyện Bình Đại. Ảnh: Thạch Thảo
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 sau khi được thực hiện đầu tư sẽ tạo tiền đề thúc đẩy quá trình triển khai các dự án còn lại trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre. Từ đó, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh theo hướng liên vùng, tăng cường khả năng vận chuyển, lưu thông hàng hóa các khu vực ven biển, góp phần hội nhập về kinh tế của tỉnh Bến Tre với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trên cả nước và vươn ra thế giới.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào 17-11-2023. Tỉnh đã tổ chức công bố Quy hoạch này. Hoạt động đầu tư tập trung vào khai thác tiềm năng của biển và ven biển, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước hình thành khu kinh tế biển, phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ. Phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy giá trị văn hóa để phát triển tỉnh Bến Tre.
Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bến Tre.
Quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu lấn biển 50.000 héc-ta để phát triển đô thị biển; khu công nghiệp và các ngành kinh tế biển khác; xây dựng cảng biển loại 2 để phát triển dịch vụ logistics và du lịch; phát triển năng lượng sạch và năng lượng mới trên khu vực này; phát triển 4.000 héc-ta nông nghiệp công nghệ cao; khai thác và phát triển các ngành kinh tế truyền thống như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh là 10-10,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 170 triệu đồng, vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 500 nghìn tỷ đồng, tổng thu ngân sách khoảng 80 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh chú trọng phát triển năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch biển. Ảnh: Cẩm Trúc
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, việc thực hiện các mục tiêu và kế hoạch trên đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, mang tính tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Trước nhất, để phát huy được hiệu quả, Bến Tre cần các nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án trong cái thời kì 2021-2030 là rất lớn. Theo đó tỉnh phải triển khai thành công các dự án, công trình trọng điểm của Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, với 11 công trình trọng điểm, trong đó có công trình cầu Rạch Miễu 2, Khu công nghiệp Phú Thuận và hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi...
Thi công trụ tháp cầu Rạch Miễu 2 trên sông Tiền. Ảnh: Thạch Thảo
Về vấn đề huy động nguồn lực, bên cạnh nguồn lực đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt, tỉnh xác định nguồn lực quan trọng nhất là từ mời gọi, thu hút nhà đầu tư, với các tập đoàn doanh nghiệp lớn vào tỉnh. Được sự đồng ý của Chính phủ, trong hai ngày là ngày 2 và ngày 3-10-2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư với chủ đề “Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững”. Đây được xem là hoạt động thu hút đầu tư đầu tiên của tỉnh nhằm để thực hiện cụ thể hoá mục tiêu phát triển hướng Đông kể từ khi tỉnh Bến Tre công bố Quy hoạch tỉnh.
Đoàn khách quốc tế đến tham quan doanh nghiệp chuỗi giá trị dừa Bến Tre, tại Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc
Đối với các dự án đầu tư tại 3 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, nhà đầu tư được hưởng chính sách miễn tiền thuê đất 11 năm sau khi kết thúc thời gian xây dựng cơ bản; được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cao nhất, đó là 10% áp dụng 15 năm đầu, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Đối với các dự án trong lĩnh vực xã hội hóa, ngoài chính sách của Trung ương, các nhà đầu tư được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng đối với từng địa bàn cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn The Green Solutions để bàn giải pháp triển khai Dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc
Hạ tầng Cảng cá Ba Tri (mới) chuẩn bị đưa vào khai thác. Ảnh: Thạch Thảo
Ngoài ra, tỉnh còn ban hành một số chính sách, quy định ưu đãi đầu tư cho dự án thứ cấp trong và ngoài khu công nghiệp; chính sách cho dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp dẫn đầu, DNNVV trên địa bàn tỉnh… Các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực được tỉnh xây dựng theo hướng ưu đãi cao nhất so với cả nước. Đặc biệt, nhà đầu tư chỉ cần liên hệ duy nhất một đầu mối tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp để được hỗ trợ.
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức họp mặt cà phê doanh nghiệp định kỳ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: Cẩm Trúc
Bên cạnh việc ban hành các chính sách cụ thể, tỉnh còn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 - 50% so với thời gian quy định; thành lập tổ dịch vụ công hoạt động theo cơ chế một đầu mối tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp, để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế.
Tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND ngày 13-5-2024 về việc quy định tiêu chí ưu tiên thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre bao gồm: dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
---------------------------
THỰC HIỆN
Nội dung: Cẩm Trúc - Thạch Thảo
Trình bày: Mỹ Hạnh