

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (được người dân gọi là cô Ba Định) sinh ngày 15-3-1920, là con út trong gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước tại làng Lương Hòa (nay là xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
Ông Ba Bích, bà Nguyễn Thị Định với các bạn trong ngày thành hôn, năm 1938. Ảnh tư liệu
Theo tài liệu “Bến Tre - Đất và Người” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre ấn hành năm 2020, bà Nguyễn Thị Định đã sớm giác ngộ và lựa chọn con đường đi theo cách mạng đầy gian khổ, tham gia phong trào Đông Dương đại hội năm 1936. Hai năm sau, tháng 10-1938, bà được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong thời gian này, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích (Ba Bích), một trong số các đồng chí cùng hoạt động. Từ đó, bà Nguyễn Thị Định thường được gọi là bà Ba Định, theo thứ của chồng.
Bà Nguyễn Thị Định với má Duyên và gia đình. Ảnh tư liệu
Mới sinh con trai được 3 ngày, bọn mật thám đến bắt ông Bích. Từ khi chồng bị bắt, bà chỉ được bồng con đến nhà tù thăm ông có một lần thì ông Bích bị Pháp đày đi Côn Đảo. Năm 1943, bà và đứa con mới 7 tháng tuổi lại bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con về Khám Lá Bến Tre. Bà buộc phải gửi con về nhà, trước khi bị đày đến Bà Rá. Tại đây, bà nhận tin ông Ba Bích đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Đau đớn tột cùng, bà vẫn nhớ lời chồng dặn dò: “Dấn thân vào con đường cách mạng là phải chịu gian khổ, hy sinh”. Nhờ lời dặn đó, bà có thêm nghị lực để đứng vững cho đến khi ra tù (năm 1943).
Bà Nguyễn Thị Định trên đường đi công tác. Ảnh tư liệu
Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Ánh Nguyệt
Năm 1944, bà Nguyễn Thị Định bắt liên lạc với tổ chức cách mạng. Trong khí thế hừng hực của Cách mạng Tháng Tám, người góa phụ 25 tuổi đã dẫn đầu hàng ngàn quần chúng tràn vào cướp chính quyền tại tỉnh lỵ Bến Tre. Khi Pháp trở lại đánh chiếm Nam Bộ, bà được bầu vào Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc tỉnh. Tháng 4-1946, bà được cử tham gia đoàn vượt biển bằng thuyền từ quận Thạnh Phú ra miền Bắc báo cáo với Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ, đồng thời xin chi viện vũ khí đánh Pháp và sau đó làm trưởng đoàn vận chuyển 12 tấn vũ khí từ Bắc về Nam an toàn. Chuyến vượt biển lịch sử từ Nam ra Bắc đầu tiên này đã mở ra con đường huyền thoại: “Đường Hồ Chí Minh trên biển” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.
Bà Nguyễn Thị Định thăm đồng chí, đồng bào huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
Về lại Bến Tre, năm 1947, bà Nguyễn Thị Định được bầu vào Tỉnh ủy. Năm 1948, bà là Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc tỉnh, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh. Năm 1951, thời điểm gian khó nhất của tỉnh, bà được tăng cường về làm Phó bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày, lãnh đạo khôi phục phong trào cách mạng trên địa bàn. Có thời điểm, bà phải rời địa bàn sang đứng chân trên đất Trà Vinh, Vĩnh Long để tránh sự ruồng bố của địch.
Năm 1952, bà là Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc tỉnh Bến Tre. Sau Hiệp định Genève, bà Nguyễn Thị Định được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam hoạt động bí mật trong điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ, nhiều lần vào sinh ra tử nhưng nhờ sự yêu thương đùm bọc của nhân dân bà vẫn được an toàn.
Bà Nguyễn Thị Định thăm Quân khu 8. Ảnh tư liệu
Cuối năm 1959, với cương vị là Phó bí thư Tỉnh ủy, bà Nguyễn Thị Định được cử đi tiếp thu Nghị quyết 15 và về Bến Tre đầu năm 1960, bà trực tiếp truyền đạt lại cho Tỉnh ủy. Chính bà là người gọi cuộc nổi dậy khởi nghĩa tại Bến Tre bằng khái niệm “Đồng khởi” đầu tiên và là người trực tiếp chỉ đạo cuộc “Đồng khởi” đợt 1, nổ ra ngày 17-1-1960. Cũng từ đây, ra đời “Đội quân tóc dài” huyền thoại và phương châm tiến công địch bằng “Ba mũi giáp công” - chính trị kết hợp với vũ trang và binh vận, cách đánh địch sáng tạo tuyệt vời của chiến tranh nhân dân, đã nhanh chóng lan ra toàn miền Nam, làm thất bại hết chiến lược chiến tranh này đến chiến lược chiến tranh khác của Mỹ - ngụy, đưa chúng đến sụp đổ hoàn toàn ngày 30-4-1975.
Bà Nguyễn Thị Định dự mít-tinh kỷ niệm 18 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, năm 1978.
Sau cuộc Đồng khởi thắng lợi vang dội, tháng 5-1960, bà Nguyễn Thị Định được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5-1961, bà là Khu ủy viên Khu 8, phụ trách dân vận kiêm Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8. Năm 1964, bà được bầu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định ân cần thăm hỏi các chị em chiến đấu và chiến thắng trở về. Ảnh tư liệu
Năm 1965, tại Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Cũng trong năm này, bà được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tham gia Quân ủy Miền, phụ trách phong trào chiến tranh du kích. Đến ngày 17-4-1974, bà Nguyễn Thị Định chính thức được phong quân hàm Thiếu tướng.
Phó tư lệnh Lực lượng vũ trang giải phóng, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ miền Nam Việt Nam - Nguyễn Thị Định cùng đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam thăm đơn vị không quân. Ảnh tư liệu
Từ năm 1965 - 1975, bà đã có nhiều đóng góp vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Sự có mặt của bà trong Bộ Chỉ huy Miền đã góp phần làm cho cái nhìn của lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn trong lãnh đạo cuộc chiến tranh nhân dân. Mùa xuân năm 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn, có Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng.
Thiếu tướng, Phó tư lệnh Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định với thiếu tướng Tô Ký. Ảnh: tư liệu
Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Định đại diện đoàn phụ nữ miền Nam nhận ảnh Bác do đồng chí Phạm Văn Đồng trao tặng. Ảnh: tư liệu
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, bà được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, được bầu làm Phó chủ tịch thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12-1976), bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ đó, bà Nguyễn Thị Định giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (đầu năm 1980). Từ tháng 6-1987 đến tháng 3-1992, bà giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ngoài ra, thời gian này, bà còn giữ chức Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba.
Ảnh tư liệu
Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam - Nguyễn Thị Định cùng chị em phụ nữ chuẩn bị dự họp tại R, năm 1973. Ảnh tư liệu
Từ trong muôn vàn gian khổ, bao lần vào sinh ra tử, trải qua hai cuộc kháng chiến, cho đến khi giữ cương vị cao trong bộ máy nhà nước, bà Nguyễn Thị Định luôn giữ phẩm chất nhân ái, bao dung, sống chan hòa, gần gũi, chân tình với mọi người. Bà như một người chị, người cô, tận tụy chăm sóc từ cơm ăn, áo mặc cho các chiến sĩ, đồng chí, đồng đội; cảm thông sâu sắc những nỗi đau, mất mát và sự hy sinh cao cả của nhân dân, luôn chia sẻ một cách tinh tế và đầy tình cảm.
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
Những lần về lại quê hương Bến Tre, bà đều dành thời gian gặp gỡ, ân cần thăm hỏi và giúp đỡ những anh chị em, bạn bè, đồng chí hoạt động kháng chiến cùng thời, cũng như nhân dân trên địa bàn căn cứ cách mạng từng đùm bọc cưu mang những người kháng chiến trong những năm chiến tranh gian khó. Có thể nói, cái tên chị Ba, cô Ba, bà Ba đã quen thuộc, thân thương, không chỉ sống mãi trong lòng nhân dân quê hương Bến Tre và cả nước, mà còn vượt ra xa, cả với bạn bè năm châu.
Bà Nguyễn Thị Định dự lễ trao giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin. Ảnh tư liệu
Bà mất ngày 26-8-1992. Với thành tích đóng góp cho Tổ quốc, cho nhân dân, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 1968, bà được nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin. Ngày 30-8-1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Lúc sinh thời, năm 1966, phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Cuộc đời của Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng các thế hệ nhân dân Đồng Khởi anh hùng và đồng bào cả nước. Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh là người đã từng có nhiều lần gặp gỡ với bà Nguyễn Thị Định sau ngày giải phóng, giai đoạn bà làm việc tại Hà Nội (khi ấy là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam), còn ông cùng một số người đến Hà Nội để học các lớp đào tạo cán bộ (1979 - 1981). Trong tâm thức của ông Trần Công Ngữ, bà Ba Định là một người sống gần gũi với mọi người, rất quan tâm đến những người con xứ Dừa. Dù bận rất nhiều việc, nhưng bà vẫn dành thời gian để gặp gỡ, trò chuyện thân tình các đoàn cán bộ Bến Tre đến học tại Hà Nội. Bản thân ông cũng đã tổ chức một số sự kiện văn hóa tại Hà Nội, được bà ủng hộ.
Các đại biểu đến thắp hương và nghe thuyết minh về Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Ông Trần Công Ngữ bày tỏ: Cô Ba rất ít khi nào nhắc đến chuyện riêng tư của đời mình, dù rằng đời tư của cô nhiều mất mát. Cô dành hết đời mình cho cách mạng và sống rất giản dị. Hễ không về thì thôi, nếu về Bến Tre lần nào, cô cũng đều đi thăm những gia đình đã từng nuôi giấu cô trong quá trình hoạt động cách mạng, thăm các cô chú cán bộ lão thành cách mạng. Tôi đã từng được trực tiếp nghe cô kể những mẩu chuyện hay trong kháng chiến.
Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh (bìa trái). Ảnh: Ánh Nguyệt
Nhà văn - Đạo diễn Nguyễn Quang Vinh (TP. Hồ Chí Minh) - người đã từng trực tiếp đạo diễn chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt “Có phải người còn đó” tại Bến Tre (năm 2022), tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã khẳng định tình cảm tôn kính sâu sắc của ông dành cho vị nữ tướng tài ba của dân tộc - người lãnh đạo, chỉ huy phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, gắn liền với sự ra đời của “Đội quân tóc dài” huyền thoại. Ông cũng đưa hình ảnh, cuộc đời cách mạng của Nữ tướng vào nhiều tác phẩm nghệ thuật của mình, trong đó có chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh “Có phải người còn đó”.
Một phân cảnh trong vở cải lương Người chị Xứ Dừa. Ảnh: Ánh Nguyệt
Tấm gương về lòng kiên trung với cách mạng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định luôn sống mãi và được lưu truyền qua các thế hệ, trong đó, có các thế hệ phụ nữ Bến Tre. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa bày tỏ, tấm gương của Nữ tướng Nguyễn Thị Định - Cô Ba Định mãi là niềm tự hào của phụ nữ cả nước nói chung, phụ nữ Bến Tre nói riêng - người tướng lĩnh ưu tú của dân tộc - người phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, vị Nữ tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thời cận đại.
Phụ nữ Bến Tre hôm nay không chỉ tiếp nối truyền thống vẻ vang của “Đội quân tóc dài”, của gương sáng Nữ tướng Nguyễn Thị Định, mà còn tiên phong trong việc xây dựng một tương lai bền vững, hội nhập và phát triển. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của thế giới, phụ nữ Bến Tre hôm nay tiếp tục giữ vững ngọn lửa kiên cường của người đi trước, đồng thời mở rộng tầm nhìn và khai thác các cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ khởi nghiệp sáng tạo đến ứng dụng công nghệ trong tất cả các lĩnh vực.
Hội LHPN tỉnh viếng thắp hương và chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Hướng tới kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các hoạt động họp mặt, giao lưu, viếng Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định… kết hợp trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Hội các cấp cũng có các hoạt động họp mặt, tuyên truyền 105 năm Ngày sinh Nữ tướng Nguyễn Thị Định biểu diễn văn nghệ, hưởng ứng tuần lễ áo dài…
Khách đến tham quan chụp ảnh tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Với các thế hệ trẻ, các em học sinh, các em đã được học tập, tìm hiểu và giáo dục về truyền thống cách mạng, về cuộc đời Nữ tướng Nguyễn Thị Định, qua đó vun đắp niềm tự hào dân tộc cho các em.

Em Nguyễn Bùi Nhựt Trường. Ảnh: Ánh Nguyệt
Em Nguyễn Bùi Nhựt Trường, học sinh lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Thị Định bày tỏ niềm tự hào khi được theo học tại ngôi trường mang tên Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nhựt Trường chia sẻ, hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường, Ban chấp hành Đoàn trường đều có tổ chức cho các bạn học sinh, nhất là các em học sinh khối lớp 10 đầu cấp qua viếng, thắp hương tại Đền thờ Nguyễn Thị Định - Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định và các khối 11, 12 cùng tham gia. Các bạn đoàn viên, học sinh tham gia cùng các cô, chú Tổ di tích thường xuyên dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh trước cổng khu lưu niệm. Đoàn trường thường xuyên tuyên truyền và tổ chức các hội thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng với các hoạt động của trường.
Học sinh đến viếng Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Nhựt Trường cho biết mong ước của em được trở thành giáo viên để giới thiệu, giảng dạy cho các thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, của quê hương Bến Tre, trong đó có Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Hiện em cùng nhiều bạn trẻ tích cực dùng mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền hình ảnh, bài viết hay về Nữ tướng Nguyễn Thị Định, các hoạt động chăm sóc di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười kỳ vọng, các cấp, các ngành, các địa phương và mong muốn cán bộ, chiến sĩ toàn quân, toàn dân Bến Tre phát huy cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và khát vọng vươn lên, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và phong trào thi đua “Đồng khởi mới” để xây dựng quê hương Bến Tre ngày càng thêm phát triển.

Để tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp to lớn của Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong sự nghiệp cách mạng dân tộc, nhiều công trình, sự kiện tại tỉnh Bến Tre cũng như nhiều nơi trên cả nước đã được mang tên Nguyễn Thị Định. Qua đó, nhắc nhớ, tuyên truyền cho các thế hệ hệ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định. Ảnh: Trung Hiếu
Nổi bật tại Bến Tre có Di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tọa lạc tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, cách trung tâm TP. Bến Tre 8,5 km trên tỉnh lộ 885. Đền thờ được xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 12-2003 đến nay, tổng diện tích gần 15 ngàn mét vuông. Đây là một trong những di tích trọng điểm của tỉnh, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu… Khu lưu niệm vừa được trùng tu, tôn tạo sau 20 năm khai thác sử dụng, khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 16-1-2025.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm (thứ ba, trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (thứ nhất, phải) thực hiện nghi thức trao bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nơi sinh và lớn lên của Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Để ghi nhớ công lao to lớn của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2973/QĐ-UBND ngày 12-12-2024 về việc xếp hạng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: Nơi sinh và lớn lên của Nữ tướng Nguyễn Thị Định - xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ngày 14-3-2025, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Giồng Trôm phối hợp cùng xã Lương Hòa và gia đình Nữ tướng Nguyễn Thị Định tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: Nơi sinh và lớn lên của Nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Bà Nguyễn Thu Nguyễn. Ảnh: Ánh Nguyệt
Bà Nguyễn Thu Nguyễn là cháu ruột gọi bà Nguyễn Thị Định bằng cô Út bộc bạch: Từ những ngày đầu được tiếp xúc và làm việc với đoàn khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng với Bảo tàng Bến Tre, cùng các ngành huyện có liên quan về khảo sát và lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh “Nơi sinh và lớn lên của Nữ tướng Nguyễn Thị Định”, bản thân tôi cùng các thành viên trong gia đình rất phấn khởi và nhận thức được rằng đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào to lớn của gia đình chúng tôi. Đến nay sự kỳ vọng và mong đợi của gia đình chúng tôi đã trở thành hiện thực, được UBND tỉnh công nhận: Nơi sinh và lớn lên của bà chúng tôi - Nữ tướng Nguyễn Thị Định - là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng và Nhà nước”.
Khách đến tham quan tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Không gian trưng bày và xếp sách nghệ thuật Thư viện Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt
Theo Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Thái Bình, để tri ân công lao đóng góp của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đã đầu tư, xây dựng nhiều công trình gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Nữ tướng trên xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Trong đó, ngoài Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, năm 2020, Nhà lưu niệm làng Moncada được khởi công xây dựng. Đây là công trình thể hiện truyền thống hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Cuba, được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Làng Moncada (1984 - 2023); tròn 31 năm (1992 - 2023) ngày mất Nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Nhà lưu niệm làng Moncada. Ảnh: Ánh Nguyệt
Phòng trưng bày tại Nhà lưu niệm Làng Moncada. Ảnh: Ánh Nguyệt
Tại xã Lương Hòa, bên cạnh Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là Trường THPT Nguyễn Thị Định. Trường được UBND tỉnh thành lập vào tháng 6-2004, có tổng diện tích khuôn viên hơn 17,8 ngàn mét vuông được xây dựng kiên cố với 28 phòng học, nhà xe, căn tin, sân luyện tập đa năng… Thời gian qua, trường đã đào tạo nhiều học sinh giỏi các cấp cho tỉnh.
Trường THPT Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Con đường mang tên Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Hiện nay, trên địa bàn TP. Bến Tre có con đường mang tên Nguyễn Thị Định. Theo tài liệu lưu trữ của thành phố, tuyến đường được đưa vào sử dụng hơn 30 năm, hiện có chiều dài toàn tuyến hơn 5,3km. Cùng với các tuyến đường trong đô thị, đường Nguyễn Thị Định đang được ngành chức năng và bà con nhân dân giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thu gom rác theo quy định và có các cây xanh được bảo vệ, chăm sóc.
Đặc biệt, năm 1996, UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Thị Định, do Hội LHPN tỉnh trực tiếp thực hiện. Quỹ đã góp phần chăm lo cho thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh gái nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh. Quỹ học bổng được sự ủng hộ tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Quỹ học bổng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Ở ngoài tỉnh, có vườn cây lưu niệm tưởng nhớ Nữ tướng Nguyễn Thị Định nằm trên địa bàn phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Vì trong lịch sử vào năm 1940, Nữ tướng Nguyễn Thị Định bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá (nay thuộc thị xã Phước Long). Ngôi nhà bà ở và làm việc tại Căn cứ Tà Thiết (Bình Phước) cùng với Vườn cây lưu niệm Nguyễn Thị Định được lưu giữ thành di tích lịch sử để giáo dục các thế hệ. Tháng 7-2023, tại Đền thờ Liệt sĩ núi Bà Rá - thị xã Phước Long (Bình Phước), tượng đồng Nữ tướng Nguyễn Thị Định được an vị tại đây cùng với các danh tướng như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang lưu giữ nhiều tư liệu giới thiệu về Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Tại Đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, (Hà Nội) là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng - hai vị vua nữ anh hùng, ngày nay nhân dân làng Hát Môn đã lập bàn thờ và rước bài vị của nữ tướng để tưởng nhớ và thờ cúng.

Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh - Phó trưởng ban tổ chức hội thảo thông tin, đối với Hội thảo khoa học cấp Bộ “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định” diễn ra vào ngày 15-3-2025 nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Nữ tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Thị Định, do 3 cơ quan đồng chủ trì, phối hợp tổ chức: Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bến Tre.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Tham Lâm - Phó trưởng Ban chỉ đạo hội thảo phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Định”. Ảnh: Phạm Tuyết
Hội thảo nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định; tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và quê hương Bến Tre. Đây dịp để giáo dục, tuyên truyền truyền thống cách mạng, lan tỏa tấm gương cách mạng tiêu biểu của đồng chí Nguyễn Thị Định trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Phục dựng Nhà làm việc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt
Một góc gian nhà tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh “Nơi sinh và lớn lên của Nữ tướng Nguyễn Thị Định”. Ảnh: Ánh Nguyệt
Trên cơ sở kết quả của hội thảo, Tỉnh ủy Bến Tre sẽ phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các cơ quan Bộ, ngành của Trung ương tiến hành xây dựng đề án để kiến nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư công nhận đồng chí Nguyễn Thị Định là cán bộ lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Do đó, hội thảo là một hoạt động chính trị rất quan trọng và có ý nghĩa để tăng cường giáo dục, lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, đặc biệt là đối với đồng chí Nguyễn Thị Định - người thủ lĩnh tinh thần, linh hồn của cuộc Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre, người đã khai sinh ra “Đội quân tóc dài” huyền thoại, là vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh báo cáo tiến độ phối hợp tổ chức hội thảo. Ảnh: Phạm Tuyết
Tuyên truyền về hoạt động hội thảo. Ảnh: Ánh Nguyệt
Đến ngày 13-3-2025, Ban tổ chức hội thảo đã nhận gần 80 bài tham luận do các tác giả ở cơ quan ban bộ ngành Trung ương, các Quân khu, lãnh đạo của các tỉnh, thành, các nhà nghiên cứu khoa học ở Trung ương và ở các viện nghiên cứu, trường học gửi về để tập hợp, hoàn thành kỷ yếu hội thảo. Tại hội thảo có trên 300 đại biểu tham dự.
“Tin rằng với các ý kiến tham luận khách quan, khoa học, trách nhiệm tương đối toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định, hội thảo sẽ đạt được những mục đích, yêu cầu đã đề ra và thành công tốt đẹp”, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh bày tỏ.
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Ngọc Thạch
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Thạch
Sau hội thảo, với sự thông tin, tuyên truyền của hệ thống báo, đài trong và ngoài tỉnh cũng sẽ lan tỏa được giá trị tích cực cũng như tấm gương tiêu biểu của đồng chí Nguyễn Thị Định cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ của tỉnh Bến Tre mà đối với cả nước hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, tấm gương tiêu biểu của đồng chí Nguyễn Thị Định đối với cách mạng Việt Nam, đối với quê hương Bến Tre. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sẽ phấn đấu noi theo tấm gương của vị nữ tướng anh hùng, người con ưu tú của quê hương Bến Tre trong cuộc “Đồng khởi mới” trên quê hương Bến Tre Đồng Khởi. Qua đó, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Bến Tre nói riêng, đất nước nói chung trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
----------------------
THỰC HIỆN
Nội dung: Ánh Nguyệt
Trình bày: Mỹ Hạnh